Cửa biển không thể ra vào khiến lượng hải sản đưa vào đây ngày càng ít, ảnh hưởng đến kinh doanh cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá. Tỉnh Quảng Trị đã trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét chủ trương, phương án nạo vét cửa biển nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
|
Cửa biển Cửa Tùng ngày càng bồi lấp khiến tàu thuyền khó vào cảng. |
Cảng cá Cửa Tùng chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2008, trở thành nơi lưu thông, neo đậu tàu thuyền và kinh doanh, buôn bán thủy, hải sản lớn của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2013 đến nay, cửa biển Cửa Tùng bị bồi lấp nghiêm trọng, nhiều đoạn luồng lạch chỉ rộng khoảng từ 4 - 5 m và độ sâu chưa đầy 0,2 - 0,8 m. Việc luồng lạch bị bồi lấp kéo theo nhiều hệ lụy.
Hàng trăm lao động trước đây làm nghề dịch vụ hậu cần nay không có việc làm vì tàu thuyền không vào cảng. Nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản cũng phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu. UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Công ty Duy Tân (có trụ sở tại Hà Nội) thực hiện nạo vét luồng lạch ở Cảng cá Cửa Tùng theo hình thức xã hội hóa, nhưng Công ty này không thực hiện. Tỉnh Quảng Trị đề xuất xã hội hóa việc nạo vét và cho tận thu cát bù đắp chi phí.
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị: “Hiện nay, với các đường thủy nội địa, Phó Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng tất cả hoạt động nạo vét ở các luồng. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị có luồng Cửa Tùng bồi lấp rất nhiều. Trước kia đã cấp phép nhưng chưa làm, theo văn bản tạm dừng, tàu thuyền của ngư dân đánh cá vụ cá Nam này không thể vào ra cảng Cửa Tùng. Tỉnh rất mong Bộ có thể vận dụng, có chỉ đạo tiếp tục nạo vét luồng Cửa Tùng để tàu thuyền đánh cá ra vào được khu vực này”.
Trong chuyến làm việc mới đây tại Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đồng tình với phương án đề xuất của tỉnh Quảng Trị. Bộ trưởng đề nghị địa phương có văn bản báo cáo Chính phủ để tránh việc lợi dụng nạo vét luồng lạch khai thác cát trái phép như đã xuất hiện ở một số nơi.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nói: “Về vấn đề nạo vét đường thủy nội địa cụ thể là Cửa Tùng thì tôi hoàn toàn đồng tình với tỉnh. Chúng ta sẽ có văn bản chung, nhưng cách thức như thế nào, chúng tôi sẽ giao cho Cục Đường thủy nội địa phối hợp với tỉnh lập dự án, phê duyệt dự án đầy đủ, sau đó giao cho địa phương thực hiện. Tỉnh vẫn sẽ dùng các nhà đầu tư, tận thu, cách thức này chúng ta làm cũng là xu hướng mà Chính phủ đang yêu cầu. Chúng tôi chỉ quản lý, địa phương làm sao cho đúng thiết kế luồng lạch”./.