Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng diễn ra chiều 1/7, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án có 44 trạm với tổng số 620 làn.
Trong đó, Công ty TNHH thu phí tự động VETC lắp đặt 27 trạm với tổng số 187 làn.
Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà đầu tư BOT lắp đặt trên 430 làn vận hành thương mại.
Tính đến hết tháng 5/2019 đã triển khai được 28 trạm với 115 làn, đã vận hành thương mại 27 trạm với 111 làn, đang vận hành thử nghiệm 4 làn.
Giám sát đặc biệt VETC, chậm triển khai sẽ dừng thu phí
Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) đang gặp khó khăn về năng lực tài chính do ngân hàng dừng cung cấp tín dụng cho dự án. Từ tháng 3/2019 đến nay, VETC không triển khai thêm được hạng mục nào.
Đặc biệt, hiện các tuyến cao tốc do Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý đang triển khai rất chậm do chưa phê duyệt phương án triển khai 227 làn còn lại và chưa có kế hoạch thực hiện 15 làn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Còn Tổng công ty Đầu tư hạ tầng và phát triển tài chính Việt Nam (VIDIFI) đang chậm các thủ tục phê duyệt nên tiến độ triển khai chậm trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Cũng theo ông Huyện, việc đàm phán ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư BOT đang gặp nhiều khó khăn, Tổng cục đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư BOT của 44 trạm, nhưng đến hết ngày 30/6 mới ký được 8 trạm.
“Quá trình đàm phán ký hợp đồng các nhà đầu tư BOT thường đưa ra lý do ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý, nhưng thực ra họ đang cố tình chây ì không triển khai. Đơn cử như nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang. Đây là hành vi cản trở thực hiện Quyết định 07. Do đó, đến 5/7 nhà đầu tư nào không ký phụ lục hợp đồng, Tổng cục sẽ dừng thu phí", ông Nguyễn Văn Huyện nói.
Lý giải về tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, hiện ngân hàng tài trợ vốn yêu cầu đến 30/6 phải ký hợp đồng nhưng đến nay mới chỉ ký được 4 trạm nên ngân hàng chưa đồng ý giải ngân tiếp.
Không đồng ý với lý giải này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, đến cuối năm tất cả các trạm sẽ thực hiện thu phí không dừng nên VETC không lo lắng về nguồn thu. Vì tiến độ chung, nếu trạm nào chậm sẽ chuyển sang cho cho nhà đầu tư giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện.
Bộ trưởng yêu cầu cần có cơ chế giám sát đặc biệt đối với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC.
“Khi giám sát, nếu nhận thấy nguy cơ không đảm bảo kế hoạch, phải có giải pháp xử lý ngay, xem xét điều chuyển các trạm chậm thực hiện sang giai đoạn 2”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hiện còn một số đơn vị, nhà đầu tư đang còn tâm lý đối phó. Do đó, đến 30/7 nếu VETC không chuyển biến có thể xem xét thanh lý hợp đồng. Tương tự cũng phải dừng thu phí đối với các nhà đầu tư BOT cố tình không thực hiện.
"Thu phí tự động không dừng là điều kiện bắt buộc của các dự án BOT, trước đây chưa có thì nay bổ sung vào nên bắt buộc phải ký hợp đồng. Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dư luận xã hội rất quan tâm nên không có lý do gì không thực hiện. Nếu không thực hiện có quyền dừng thu phí, lý do các nhà đầu tư đưa ra chỉ là đang cố tình không minh bạch trong thu phí", Thứ trưởng Thọ nói.
Liên quan đến các dự án cao tốc, Bộ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẽ không kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thu phí thủ công. VEC, VIDIFI phải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 07.
“Các đơn vị này cũng cần đưa vào diện giám sát đặc biệt, cho lộ trình thực hiện. Nếu không thực hiện sẽ dừng thu phí, hậu quả nhà đầu tư phải chịu”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước
Trong báo cáo lên Chính phủ ngày 20/6 về tình hình triển khai dự án thu phí không dừng theo Quyết định 07, Bộ GTVT cho biết, hiện dự án thu phí không dừng đang gặp nhiều vướng mắc về lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ thấp, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và ngân hàng.
Cụ thể, hiện mới chỉ có khoảng 700 nghìn trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ; tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm vẫn còn thấp, đạt khoảng trên 30% lượng phương tiện đã dán thẻ.
“Chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định bắt buộc phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn thu phí tự động, dẫn đến việc có phương tiện dán thẻ đi qua làn ETC vẫn phải dừng chờ phương tiện chưa dán thẻ, chưa phát huy hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng”, Bộ GTVT nêu thực tế.
Một “lực cản” khác được Bộ GTVT chỉ ra là do quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP mất nhiều thời gian dẫn đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 2 đến thời điểm này mới hoàn thành.
“Tiến độ triển khai các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) quản lý còn nhiều vướng mắc do chưa xác định được nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị ETC. Đồng thời, việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trong khi quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án cao tốc do VEC quản lý”, Bộ GTVT cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng, để triển khai hệ thống ETC cần ký phụ lục hợp đồng BOT đối với tất cả các nhà đầu tư BOT. Bên cạnh đó, hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể nên phát sinh nhiều vướng mắc trong đàm phán làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành các quy định nghiêm cấm các phương tiện chưa dán thẻ đi vào các làn ETC và chỉ được đi làn thu phí một dừng hoặc làn thu phí hỗn hợp. Xem xét để lại mỗi bên 1 làn thu phí hỗn hợp hoặc một dừng để các phương tiện chưa dán thẻ có thể đi qua.
Cùng đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đối với việc thanh toán dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí đảm bảo liên liên thông, thuận lợi. Bên cạnh đó, chỉ đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục giải ngân cho dự án thu phí tự động không dừng để hoàn thành đúng tiến độ.
Phan Trang