Đó là khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến "Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi – Thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn" do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều 19/3, tại Hà Nội.

Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: NT)

Theo ông Nguyễn Văn Long, tính đến 19 giờ ngày 18/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 294 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và gần đây nhất là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các ban ngành chức năng đã phải tiêu huỷ 34.774 con lợn.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh kể từ khi phát hiện 2 ổ dịch đầu tiên tại Hưng Yên và Thái Bình, ông Long cho biết, qua các kết quả điều tra ổ dịch tại Thái Bình, Hưng Yên nhận thấy các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lí nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng.

Đồng thời, một số cán bộ trong quá trình tham gia xử lí tiêu huỷ lợn bệnh không thực hiện vệ sinh triệt để tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan. Bên cạnh đó, các dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi chưa được vệ sinh, phun thuốc sát trùng triệt để cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, phần lớn hiện nay nước ta vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao. Các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư khó thực hiện hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chăn nuôi. Đây là một trong những lý do dẫn đến chỉ trong hơn 1 tháng, tốc độ dịch tả Châu Phi lan nhanh ra 19 tỉnh, thành.

Trước câu hỏi hiện nay có nhiều người dân lúng túng về quy trình phát hiện khai báo dịch, Trưởng phòng Dịch tễ Nguyễn Văn Long cho hay, vấn đề này đã được quy định rõ trong Thông tư 07 của Bộ NN&PTNT ban hành năm 2016. Trong đó, đề nghị người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn, nếu thấy lợn nghi phát bệnh, cần theo dõi các triệu chứng như lợn sốt cao. Đồng thời khả năng lợn chết lên đến 100% khi nhiễm bệnh.

Khi thấy hiện tượng này, người dân cần báo cho chính quyền thôn, xã, cán bộ thú y, khuyến nông, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý lợn bệnh, lợn chết, không dấu dịch, không vứt lợn bệnh, lợn chết ra môi trường, thực hiện vệ sinh sát trùng để dịch không lây lan. Đặc biệt, đề nghị người chăn nuôi không bán chạy lợn mà thực hiện phòng dịch là chính.

Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng đang có tâm lý hoang mang về việc sử dụng thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, hiện nay, đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ. Điều này đồng nghĩa với việc lợn nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn khoẻ mạnh cũng bị tiêu huỷ. Con số này rất nhỏ.

Ông Dương cũng kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với ngành chăn nuôi mà cùng hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn an toàn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch.

“Khi có dịch, ngoài việc người chăn nuôi bị thiệt hại thì chi phí tiêu huỷ, vệ sinh tiêu độc khử trùng và các chi phí liên quan rất lớn. Do đó, nếu chúng ta quay lưng lại thì ngành chăn nuôi sẽ vô cùng khó khăn” – ông Dương cho hay.

Tại Tọa đàm, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thêm: Đánh giá của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, an toàn sinh học nghiêm ngặt trong khu chăn nuôi lợn là biện pháp rất quan trọng để ngăn chặn sự thâm nhập của dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, quy trình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, người chăn nuôi cần chọn giống là những con của cặp bố mẹ có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ.

Bên cạnh đó, thức ăn cần đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thiu; nước uống cho đàn lợn phải sạch sẽ. Mặt khác, đàn lợn cần được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ./.

BT