Không gian phát triển quốc gia là một thể thống nhất 

(ĐCSVN) - Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là cần thiết nhằm tạo ra sự thống nhất giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch; giúp cho việc phân bổ nguồn lực quốc gia, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đây là lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai ở nước ta. Theo Luật Quy hoạch (2017), Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Theo dự kiến, tháng 10 năm 2022, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai ở nước ta  (Ảnh: PV)

Trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên trao đổi với các Bộ, ngành và địa phương về nội dung dự thảo “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia” để thống nhất với các định hướng quy hoạch phát triển các ngành đang triển khai lập. Đồng thời, việc triển khai lập các hợp phần để tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia cũng được các Bộ, ngành giới thiệu các đơn vị tư vấn lập quy hoạch ngành quốc gia để triển khai thực hiện hợp phần nhằm đảm bảo nội dung tích hợp quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia hạn chế thấp nhất chồng chéo, mâu thuẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác lập quy hoạch tổng thể quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) 

Bộ trưởng chỉ ra, các quan điểm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia hiện nay đang được đề xuất và thảo luận bao gồm:

Thứ nhất, phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.

Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.

Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.

Thứ năm, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng mạng lưới đô thị xanh, thông minh, phân bổ hợp lý, bảo đảm khai thác được điều kiện đặc thù, lợi thế của từng vùng, miền; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.

Thứ sáu, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

 
Lê Anh (lược ghi)
346 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1005
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1005
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87193790