Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca 

(ĐCSVN) - Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Sáng 28/3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quy định chặt chẽ việc cho phép khai thác, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Báo cáo số 87/BC-CP, Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH.

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể Chính phủ đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật;” là nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, hơn nữa cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ nên đề nghị không bổ sung vào Điều 7. Do đó, cơ quan này ghi nhận một phần ý kiến của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7.

Cụ thể, “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan; không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.

Bày tỏ đồng tình, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ kịp thời bổ sung nội dung trên vào dự thảo luật lần này vì vừa qua trên thực tế cũng có vấn đề phát sinh.

Theo đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, được ghi trong Hiến pháp nên cần quy định riêng và được đối xử đặc biệt hơn.

Dẫn thực tế vừa qua có một số vụ việc liên quan Quốc kỳ, Quốc ca trên không gian mạng gây bức xúc, ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, thậm chí xúc phạm, đại biểu Lê Minh Nam nêu rõ: “Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có tội xâm phạm Quốc kỳ, Quốc ca, tôi thiết nghĩ những việc như trên cần có biện pháp xử lý".

Dưới góc độ bản quyền, đại biểu cho rằng, nếu không quy định cụ thể quyền liên quan thì xảy ra trường hợp nhân danh sáng tạo nghệ thuật, có quyền liên quan để cản trở, xúc phạm cũng như ngăn cản việc phổ biến, tiếp cận Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó, cần thiết có thêm quy định để đảm bảo tính pháp lý, sự tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Cân nhắc phân loại đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: TH. 

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này xin được giữ như quy định của Luật hiện hành.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho hay: Qua nghiên cứu, tiếp thu, phương án hiện nay xác đáng ở chỗ các vi phạm về sở hữu trí tuệ có thể là vi phạm trong các giao dịch dân sự, hoặc có thể là vi phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước. “Phải phân biệt rõ chứ không nên thuần tuý cho rằng vi phạm về sở hữu trí tuệ phát sinh tranh chấp dân sự. Việc giữ nguyên như quy định hiện hành có cơ sở cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, không mâu thuẫn gì với việc vừa xử lý hành chính vừa giải quyết tranh chấp bằng cơ chế tòa án”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, tuỳ vào tính chất của vi phạm, nếu là dân sự thì giải quyết theo cơ chế dân sự. Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một mặt có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp theo cơ chế dân sự; một mặt vẫn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý hành chính. Như vậy vẫn tạo thuận lợi cho người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cũng có cơ chế xử lý hiệu quả những vi phạm này.

Đáng chú ý, thực tế hiện nay, nếu giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cơ bản bằng cơ chế toà án, không có xử lý hành chính hay xử lý ở phạm vi hẹp sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống tòa án về cả số lượng công việc, năng lực, sự chuẩn bị chuyên môn của toà án để giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ chưa phải tốt trong điều kiện chưa có tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ.

Dẫn số liệu báo cáo có 83,5% số vụ việc liên quan đến quyền tác giả; 5,5% số vụ việc liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được đưa ra Toà, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nêu quan điểm: Nếu chỉ thực hiện theo biện pháp hành chính thì nhiều trường hợp không đủ sức răn đe, nộp phạt hành chính có lợi hơn rất nhiều so với khoản lợi thu được nên họ sẵn sàng vi phạm.

“Chúng ta không có biện pháp mạnh hơn thì tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra. Đây là vướng mắc trong quá trình phát triển cần chúng ta quan tâm. Bên cạnh đó, nếu chỉ xử phạt hành chính thì không phù hợp với thông lệ quốc tế”, đại biểu nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu đề nghị không thu hẹp xử phạt hành chính nhưng nên có sự phân loại. Trường hợp, vấn đề lớn bắt buộc phải được xử lý tại Toà; trường hợp nào sẽ chỉ xử lý hành chính. Cần quy định rõ hơn, chứ hiện chưa đầy đủ…/.

 
Vy Anh
275 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 862
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 862
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87049756