Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, tỉnh Long An đã ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan để các địa phương thực hiện và thành lập trên 31 chốt kiểm dịch tạm thời, 15 đội kiểm soát lưu động trên địa bàn các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn xảy ra và lây lan rất nhanh. Sau khi huyện Đức Hòa xảy ra ổ dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại xã Đức Hòa Thượng vào ngày 16/6, đến nay, toàn tỉnh Long An đã có trên 20 ổ dịch xảy ra tại các huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa, và thị xã Kiến Tường.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Nguồn: Báo Long An online
Ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Long An cho hay, nguyên nhân xảy ra dịch và khó khăn nhất trong công tác chống dịch hiện nay là về nhân sự, lực lượng thú y viên cấp xã hầu như không có nên việc theo dõi, nắm tình hình dịch bệnh cũng như thực hiện tiêm phòng gặp khó khăn. Cùng với đó là lượng lợn sống ra, vào địa bàn tỉnh này là rất nhiều, khó kiểm soát, nhất là việc chấp hành quy định kiểm dịch xuất tỉnh, nhiều trường hợp xe mang biển số địa phương này nhưng giấy kiểm dịch của một địa phương khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với nhau trong công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, ý thức một bộ phận người chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Long An về phòng, chống dịch còn chưa cao. Theo Cục Thống kê Long An, trên địa bàn tỉnh này hiện có khoảng gần 11.000 hộ nuôi lợn nhỏ lẻ, tập trung ở các huyện như Châu Thành, Tân Trụ, Đức Hòa,... Hầu hết các ổ dịch xảy ra đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Nguyên nhân là do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, ý thức thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh vùng chăn nuôi còn hạn chế,... do có hệ thống giao thông đa dạng nên khả năng xảy ra dịch và nguy cơ lây nhiễm là rất cao.
Để nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho người dân, huyện Bến Lức đã tăng cường truyền thông 2 lần/ngày về những nội dung như: tuyệt đối không được sử dụng nước sông, ao, hồ trong chăn nuôi; không cho người lạ đi lại, vận chuyển thức ăn,... vào khu vực chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, lối đi xung quanh và dụng cụ chăn nuôi; tăng cường giám sát tại các điểm nguy cơ; củng cố lực lượng thú y cơ sở, thường xuyên cập nhật, theo dõi tổng đàn lợn trên từng địa bàn.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành khuyến cáo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm dịch động vật nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để, ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng; bố trí các hố sát trùng tại các tuyến đường ra, vào những địa phương có dịch. Thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp triển khai chống dịch. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...
Tỉnh Long An cũng đã lấy ý kiến các sở, ngành ban hành quy định tạm thời mức hỗ trợ thiệt hại khi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, lợn con dưới 28 ngày tuổi hỗ trợ 350.000 đồng/con; lợn từ 28 ngày đến 60 ngày tuổi 750.000 đồng/con; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác 4 triệu đồng/con; lợn trên 60 ngày tuổi 36.000 đồng/kg.
* Là thủ phủ chăn nuôi lợn của tỉnh Đồng Nai, những ngày này, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thống Nhất đang diễn ra khẩn trương, quyết liệt, cả huyện có tới 2,7 nghìn trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với hơn 313 nghìn con lợn, số lợn này hiện vẫn đang được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh.
Người chăn nuôi lợn ở Đồng Nai rắc vôi bột phòng tránh dịch tả lợn châu Phi
(Nguồn: Báo Đồng Nai)
Để phòng ngừa dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi của huyện Thống Nhất đã cấp miễn phí hơn 4 nghìn lít thuốc sát trùng và hơn 180 tấn vôi bột cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện để sát trùng, tiêu độc. Theo ông Phạm Quốc Minh, người dân xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, đó là một cách để ngăn chặn mầm bệnh của dịch tả lợn châu Phi tấn công đàn lợn khỏe mạnh. Hiện trang trại của ông Minh cũng như các trang trại và hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện đều phải thường xuyên rắc vôi bột và xịt thuốc khử trùng hằng ngày, tuyệt đối không cho người ra vào tự do như trước mà chỉ được phép quan sát ở vòng ngoài từ xa. Nếu người ngoài thực sự cần thiết phải vào trang trại phải qua các lớp xịt thuốc sát trùng. Xe bắt lợn cũng phải xịt thuốc sát trùng ngoài ngõ để khô xe mới cho vào trang trại. Nhờ đó, đàn lợn thịt hơn 200 con của ông Minh vẫn an toàn vượt qua dịch bệnh.
Không chỉ áp dụng kiến thức, kinh nghiệm làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh ở đàn lợn của gia đình nhà mình, các hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất còn chủ động đề đạt với chính quyền địa phương xây hố chứa nước sát trùng trên đoạn đường thường xuyên có phương tiện ra vào địa bàn xã để phun xịt các xe, ngăn chặn dịch bệnh lan vào chuồng, trại chăn nuôi lợn.
* Tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, từ khi có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn và phải tiêu hủy lợn bệnh, bên cạnh các biện pháp xử lý và khống chế các ổ dịch, ngành chức năng địa phương còn tiến hành điều tra nguyên nhân, đồng thời, cử cán bộ hỗ trợ các xã, phường nơi có ổ dịch để hướng dẫn tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết; giám sát chặt các ổ dịch tả lợn châu Phi không để xảy ra sự cố sụp lún, bốc mùi hôi.
Ngành thú y địa phương cũng thống kê lại tổng đàn lợn hiện có để chủ động hơn trong công tác quản lý, phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nói riêng và các loại dịch bệnh khác nói chung. Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y TP Vị Thanh Lê Trường Hận cho biết, nguyên nhân lây lan chủ yếu là qua các con đường gián tiếp, yếu tố con người, quy trình chăn nuôi chưa đảm bảo, hộ nuôi còn chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành.
Chính vì thế, ngành thú y đã tăng cường phối hợp với các xã, phường triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt là kế hoạch của Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc ứng phó trước và sau khi có dịch tả lợn châu Phi. Đối với các địa phương chưa có dịch, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, cũng như hạn chế tiếp xúc, ra vào vùng có dịch. TP Vị Thanh đã thành lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời xung quanh các ổ dịch để kiểm soát vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn, tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng có ổ dịch.
Trước khi xảy ra dịch bệnh, ngành chức năng TP Vị Thanh đã chủ động bố trí kinh phí mua thêm hóa chất phun khử trùng; trang bị thêm 9 máy phun khử trùng cho 9 đơn vị xã, phường;… Đồng thời, thành lập các tổ xung kích ở địa phương để sẵn sàng hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Trường hợp nếu có phát sinh ổ dịch mới nhưng chủ hộ nuôi không có nơi chôn lấp thì thành phố cũng đã tính toán tới phương án vận động các hộ có đất rộng ở lân cận cho chôn lấp lợn. Tất cả các biện pháp đang được khẩn trương thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi và Chỉ thị 47 của Tỉnh ủy Hậu Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh./.
K.V