Đây là nội dung được nêu rõ trong Thông tư 45/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2016/TT-BGTVT về Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam của Bộ GTVT ban hành về việc một số loại giấy tờ sẽ bị loại ra khỏi danh sách các loại giấy tờ được chấp nhận để làm thủ tục đi các chuyến bay nội địa.
Theo đó, hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ đại biểu Quốc hội; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; giấy xác nhận nhân thân có các thông tin cơ bản sau: họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện nay do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận, có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận; giấy của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án, giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài phải xuất trình: hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú do Việt Nam cấp.
Trong trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của sở ngoại vụ, cơ quan công an địa phương nơi mất xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Hành khách nước ngoài cũng không được sử dụng giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh hàng không do Việt Nam cấp; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam khi làm thủ tục lên các chuyến bay nội địa.
Cũng trong Thông tư sửa đổi này, quy trình về xử lý hành khách gây rối, quy định nêu rõ: Trường hợp tàu bay đang bay, người chỉ huy tàu bay phải áp dụng biện pháp xử lý thích hợp theo thẩm quyền; quyết định cho tàu bay hạ cánh nếu xét thấy cần thiết vì lý do bảo đảm an toàn, an ninh cho chuyến bay. Thông báo vụ việc cho hãng hàng không hoặc nhà chức trách hàng không nơi hạ cánh.
Tùy theo tính chất, mức độ vụ việc, người chỉ huy tàu bay tổ chức lập biên bản vi phạm hành chính hoặc tường trình, báo cáo vụ việc hoặc lập biên bản theo quy định của nước sở tại, bàn giao vụ việc cho nhà chức trách hàng không nơi hạ cánh...
Phan Trang