|
Ảnh minh họa. Nguồn laodong.vn |
Nếu không được tiêm phòng ngay sau khi chó cắn, sẽ nắm chắc tử vong, tùy theo thời gian phát bệnh dại ngắn hay dài. Chúng ta chỉ có thể ngăn ngừa tử vong, phòng ngừa căn bệnh dại một cách khả thi nhất. Đó là ngay sau khi bị chó cắn hãy đi tiêm phòng bệnh dại.
Theo con số thống kế, cứ 15 phút thì có một người chết vì bệnh dại trên thế giới. Đây là thực tế đáng buồn của tình hình bệnh dại hiện nay. Hàng năm, bệnh dại giết chết gần 60.000 người, chủ yếu là trẻ em ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có 17 ca tử vong vì bệnh dại và trên 170.765 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Trước đó, trong cả năm 2018, cả nước cũng có tới 103 người tử vong vì bệnh dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017).
Từ những con số thống kê nêu trên hẳn mỗi chúng ta đều cảm thấy “giật mình” khi biết rằng bệnh dại là cực kỳ nguy hiểm. Thực tế đa phần bệnh dại tại nước ta là vì chó nhà nhiễm dại cắn và phần lớn người dân vẫn còn chủ quan vì là vật nuôi trong nhà nên không tiêm phòng đầy đủ. Trường hợp bị chó dại cắn gây tử vong xảy ra mới nhất gần đây, đó là vào ngày 1/3/2020, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tính chủ quan của không ít người, khi bị chó cắn mà không đi tiêm phòng.
Được biết, nạn nhân là ông H.V.T (45 tuổi), là giáo viên dạy thể dục của một trường học ở xã Công Thành. Người nhà nạn nhân cho biết, trước Tết Nguyên đán, ông T. bị một con chó thả rông cắn. Tuy nhiên, do chủ quan, nghĩ vào mùa đông chó ít bị mắc bệnh dại nên ông T. không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại phơi nhiễm. Đến thời gian gần đây, ông T. bắt đầu có các triệu chứng bất thường nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị. Được các bác sỹ chẩn đoán bị nhiễm virus bệnh dại ở giai đoạn nặng nên bệnh viện đã chuyển ông T lên tuyến trên để điểu trị. Dù đã được chuyển tuyến lên một bệnh viện ở Hà Nội để cấp cứu, điều trị nhưng ông T. đã tử vong do bệnh chuyển biến nặng.
Các nạn nhân bị chó dại cắn tử vong, do nguyên nhân chủ quan không đi tiêm phòng bệnh dại ở nước ta, như đã nói là khá nhiều. Thế nhưng, có một trường hợp khá hi hữu, mà trong bài viết nhỏ này tôi cũng muốn nêu lên, khi người này dẫu là một bác sĩ thú y, nhưng cũng vì chủ quan nên đã thiệt mạng vì… bệnh dại. Đó là chị Phan Thị C. (24 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) - là bác sĩ thú y đang làm việc tại một phòng khám thú y tư nhân tại tỉnh Phú Thọ. Cách thời điểm vào viện 1,5 tháng, trong lúc đang làm việc chữa trị cho chó, chị C. bị con chó ốm đó cắn vào tay, vết cắn ở vị trí bàn tay phải. Sau khi bị cắn, chị đã sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Qua 4 ngày sau con chó chết, tuy nhiên chị C. vẫn chủ qua không tiêm phòng vắc xin dại, vì chị chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên. Trước khi vào viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau nhức chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay, sau đó lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở, sợ gió, sợ nước… rồi tử vong sau đó.
Nêu ra trường hợp tử vong của bác sĩ Phan Thị C, tôi một lần nữa muốn nhấn mạnh rằng: bệnh dại là cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, vì vậy bất cứ ai, khi bị chó cắn tuyệt đối không được chủ quan. Theo lời khuyên của các bác sĩ thú ý, đầu tiên, khi bạn hoặc người thân bị chó cắn, nhất là chó của nhà người khác, chó thả rông ngoài đường cần phải tìm hiểu xem con chó cắn người kia có được tiêm ngừa bệnh dại hay chưa(?!). Nếu bạn không biết chủ sở hữu của con chó, hoặc con chó đã dời đi, hãy liên hệ với các cơ quan kiểm soát động vật để họ tìm giúp bạn.
Nếu bị cắn trong khi đi ngang qua một con chó bị xích, bạn nên dừng lại và kiểm tra xem vết cắn có làm rách da hay không, đồng thời lấy thông tin về chó từ chủ sở hữu. Đừng chờ đợi đến khi về nhà mới kiểm tra vết cắn. Trong vòng 15 ngày sau khi bị chó cắn, nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích thì bạn nên nhanh chóng đi tiêm vaccine phòng dại. Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường, thì bạn hoặc người thân không nhất thiết phải tiêm phòng dại nữa./.
Nguyễn Thị Loan