Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 5921/VPCP-CN ngày 5/7 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Theo nội dung văn bản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng điện, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện trong thời gian tới, đồng thời, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu than cho sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện dẫn đến thiếu điện.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đình Tăng.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc đảm bảo, ưu tiên nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, nhất là trong các thời điểm khó khăn về cung ứng điện; tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước, nhất là các khu vực có mức tiêu thụ điện cho sản xuất và sinh hoạt lớn.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường công tác tính toán dự báo nhu cầu điện, theo dõi sát điều kiện khí hậu thủy văn và nhiên liệu cho sản xuất điện... để xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đảm bảo cung ứng điện hiệu quả; tăng cường công tác quản lý vận hành lưới điện, nhất là đối với lưới điện truyền tải 500 kV Bắc - Nam, không để xảy ra sự cố lưới điện làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm cung ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết; đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện; yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính toán để ưu tiên hợp lý nguồn nhiên liệu khí cho sản xuất điện, nhất là trong các thời điểm khó khăn về cung ứng điện.
Trước đó, ngày 4/7, phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm nguồn cung ứng điện bởi “điện không chỉ là vấn đề kinh tế, nếu mất điện thì thành vấn đề chính trị, an ninh trật tự”. Vấn đề này cần lo ngay từ bây giờ chứ không để đến năm 2022-2023.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương sớm có đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá, để đề xuất giải pháp phù hợp, nhất là đối với người dân.
Thời gian vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Do tình hình nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung làm cho công suất tiêu thụ đầu nguồn và sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc tăng cao kỷ lục.
Để bảo đảm cung cấp điện với mức tiêu thụ tăng rất cao, EVN phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao. Cụ thể như trong ngày 21/6, EVN đã phải huy động nhiều tổ máy nhiệt điện chạy dầu trong hệ thống với tổng công suất chạy dầu lên tới gần 2.000 MW./.
TTXVN