Không để trùng lắp, chồng chéo các luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở 

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Không để không trùng lắp, chồng chéo các luật liên quan đến thực hiện ở dân chủ cơ sở   - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - Ảnh: VGP/LS

Bổ sung quy định về dân thụ hưởng, dân giám sát

Dự thảo Luật được trình Quốc hội lần đầu, gồm 7 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TPHCM) cho rằng, luật nhằm thể hiện rõ và đầy đủ phương châm của Đảng là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", nhưng trong dự thảo luật, quan điểm dân thụ hưởng chưa rõ, chưa cụ thể. Về thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, đại biểu đề nghị cần bổ sung những quy định mà người dân được giám sát chính quyền địa phương thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng và cơ quan MTTQ, đoàn thể. Cũng cần quy định về thời gian, trách nhiệm giải trình của chính quyền, cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

"Quan điểm về khái niệm cơ sở cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, rõ ràng hơn để đưa ra một khái niệm phổ quát hơn, khả thi hơn trong thực hiện, để khi luật này ra đời sẽ phát huy dân chủ của người dân. Chế tài xử phạt khi không thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng cần rõ hơn", đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị thể chế hóa rõ hơn quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách cụ thể, rõ ràng, chú trọng nội dung tăng cường đối thoại với dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị bổ sung quyền của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Song song với đó, cần cấm hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Bổ sung chế tài xử phạt với những hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông tin lại cho người dân những nội dung nào tiếp thu, nội dung nào không tiếp thu sau khi người dân đã góp ý kiến; trách nhiệm về giải trình của cơ quan có thẩm quyền với dân, với báo chí.

Về quy định về thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp, nhiều ĐBQH đều cho rằng, đây là vấn đề khó thực hiện, nên cần làm rõ, để làm sao luật ra đời thì khả thi, không phải ban hành cho có. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, chỉ nên tập trung thực hiện ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, phòng chống tham nhũng.

Dân chủ ở doanh nghiệp nên làm như thế nào cho phù hợp?

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, dân chủ ở cơ sở là vấn đề từng người dân, từng tổ chức quan tâm. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn việc thực hiện ở doanh nghiệp và nêu câu hỏi: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có làm không, có bắt buộc họ phải làm không? Việc này cần có khảo sát ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, sau đó ghi rõ trong luật, không nói chung chung.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục đích của dự án luật này là nhằm thể chể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn. "Đây không phải là những vấn đề mới, mà có tính kế thừa lịch sử. Chúng ta cũng đã thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhưng luật ra đời sẽ tiếp tục phát huy. Đây là dự án luật khó, yêu cầu phải bao trùm hết mọi người dân, phải trở thành động lực cho sự phát triển", Bộ trưởng phát biểu.

Theo Bộ trưởng, có đến hơn 20 luật có liên quan đến vấn đề dân chủ ở cơ sở, nên phải tính toán khoa học để không trùng lắp, chồng chéo với các luật khác, không vi phạm các cam kết quốc tế, đồng thời bảo đảm dễ thực hiện, nếu không, luật sẽ không khả thi.

Ý kiến các ĐBQH đều băn khoăn là dân chủ ở doanh nghiệp nên làm như thế nào cho phù hợp? Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định thực hiện dân chủ cơ sở ở DNNN, các khu vực doanh nghiệp khác thì không. "Bạn soạn thảo đưa vào dự thảo như vậy để lấy ý kiến ĐBQH. Có thể tính toán để thực hiện ở mức độ nhất định ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mà bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế", Bộ trưởng nói. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi, nhưng quan điểm của Bộ trưởng là không nên chỉ thực hiện ở DNNN.

Lê Sơn

160 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 792
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 792
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89430981