Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc và Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Chiều 14/6, trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt 2024, Báo Tuổi trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) phối hợp với Sở Công Thương TPHCM, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức Hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt".
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã tới dự. Cùng dự có Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng.
Theo ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi, ăn theo những tiện ích của thanh toán không tiền mặt. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.
Ông Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: VGP/Đức Tuân
"Cùng với việc ủng hộ thanh toán không tiền mặt thì mong muốn giảm thiểu rủi ro, bảo đảm tốt hơn an ninh, an toàn khi người dân kích hoạt phương thức thanh toán không tiền mặt sau mở tài khoản đang là nhu cầu thực tế", ông Lê Thế Chữ nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Ban Tổ chức quyết định chọn chủ đề chương trình Ngày không tiền mặt 2024 là "Thúc đẩy phát triển giao dịch không tiền mặt an toàn". Chương trình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: Hội thảo, lễ hội không tiền mặt, cuộc thi hiến kế giao dịch an toàn, livestream bán hàng không tiền mặt, tháng khuyến mại tập trung không tiền mặt, tập huấn giao dịch không tiền mặt an toàn cho công nhân, tiểu thương, đi bộ hưởng ứng ngày không tiền mặt... Tất cả hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.
Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều kết quả tích cực
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán qua internet, điện thoại di động… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo đảm minh bạch các hoạt động thanh toán, phục vụ nhu cầu chi trả hằng ngày của toàn xã hội.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.
"Trước đây, Kho bạc Nhà nước có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết", theo Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: "Trước đây, Kho bạc Nhà nước có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết" - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm mạnh tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Năm 2023, tỉ lệ thu-chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu-chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước" - ông Phớc chia sẻ.
Xác thực sinh trắc học với giao dịch trên 10 triệu đồng
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, để tăng cường bảo mật, từ ngày 1/7, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.
Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đến nay, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại TPHCM đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỉ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng cũng thừa nhận trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.
Để vừa đảm bảo tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân, theo ông Dũng, TPHCM sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai, cập nhật các vấn đề phát sinh để bổ sung, hoàn thiện các giao dịch không tiền mặt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn. Phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hoá dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Anh Thơ