Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua, lạm phát cơ bản quý I/2021 tăng 0,67%. Với chỉ số CPI đầy tích cực nhưng không có nghĩa là Việt Nam có thể kiểm soát tốt mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm nay. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, điều này tạo áp lực tăng lên giá cả nhiều mặt hàng trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến CPI giảm trong quý I/2021 do Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV/2020. Theo đó, giá điện tháng 1/2021 giảm 16,88% so tháng trước làm cho giá điện sinh hoạt bình quân quý I giảm 7,18% so cùng kỳ năm 2020, tác động giảm CPI chung 0,24 điểm phần trăm.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước, làm cho giá vé máy bay quý I giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%...

Vấn đề đặt ra là liệu xu hướng giảm giá này có còn tiếp diễn?

Đầu tiên là giá xăng dầu, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 3/2021 tăng 2,29% so tháng trước, chủ yếu do giá xăng, dầu tăng 6,89% so tháng trước làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 25/2/2021, 12/3/2021 và 27/3/2021. Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 27/3, giá xăng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm từ 129 - 165 đồng/lít. Đây là lần thứ 5 giá xăng trong nước tăng trong những tháng đầu năm 2021.

Đáng chú ý, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết kỳ điều hành này, nếu không tiếp tục chi Quỹ Bình ổn giá, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 331 - 2.029 đồng/lít/kg. Do áp lực của giá xăng dầu thế giới, từ đầu năm đến nay, Quỹ Bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 200 - 2.000 đồng/lít/kg đối với các loại xăng dầu.

Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, việc giá xăng dầu trong nước tăng đã khiến khó khăn càng nặng thêm. Một mặt, các doanh nghiệp này đang phải hạ giá tour du lịch để kích cầu, nhưng mặt khác giá xăng tăng khiến chi phí hoạt động tăng lên. “Điều này đồng nghĩa, nếu muốn giảm giá, doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ”, một chủ doanh nghiệp chia sẻ.

Thực tế cho thấy, đang có những yếu tố tạo áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát không nhỏ, nhất là trên mức nền thấp của năm 2020 do giá xăng, dầu ở đáy vì tác động bởi dịch COVID-19. Mặt khác, khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi thì nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng lên, đẩy mặt bằng giá tăng lên, tạo áp lực lạm phát 2021. Doanh nghiệp Việt Nam đang thích ứng với điều kiện bình thường mới, hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ sôi động trở lại, từ đó nhu cầu vốn, nguyên liệu tăng lên, từ đó mức tiêu dùng cũng tăng...

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của giá dầu cũng đang tạo áp lực lên lạm phát. Xăng dầu thế giới tăng, tác động tới sản xuất và tiêu dùng trong nước, kéo theo biến động giá các mặt hàng. Ngoài giá dầu, nhiều nước trên thế giới thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, gây áp lực không nhỏ tới kiểm soát lạm phát. Do đó, dù CPI quý I của Việt Nam có thấp nhất 20 năm nhưng không có nghĩa là chúng ta được phép tự tin sẽ kiểm soát tốt chỉ tiêu về lạm phát mà Quốc hội đặt ra.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng, việc điều chỉnh giá mặt hàng do nhà nước quản lý phải “đúng thời điểm, đúng liều lượng”. Như vậy mới hạn chế lạm phát kỳ vọng, việc điều chỉnh giá mặt hàng này cũng không nên dồn vào tháng cuối năm vì sẽ tạo áp lực điều hành lạm phát năm sau. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ để không tạo áp lực lạm phát năm 2021.

Trước những ý kiến lo ngại giá xăng dầu tăng khiến tình trạng “té nước theo mưa” của một số loại hàng hóa, Bộ Tài chính cho biết, việc giá xăng dầu tăng sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các Bộ, ngành dự báo, tính toán.

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản điều hành giá cụ thể cho thời gian trọng điểm quý I cũng như cho cả năm 2021. Trên cơ sở đó, hiện các biện pháp về quản lý, điều hành giá cũng được các Bộ, ngành triển khai toàn diện nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý khi giá xăng dầu tăng hoặc trong các dịp cao điểm lễ, Tết.

Mặt khác, công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng được các địa phương chủ động triển khai tốt, hàng hóa phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; Công tác kiểm tra, kiểm soát về giá, thuế, phí cũng như chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được các cơ quan chức năng triển khai toàn diện, hiệu quả; Kết hợp việc chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra để tiếp tục kiểm soát tốt mặt bằng giá, góp phần ổn định đời sống người dân, hỗ trợ cho tăng trưởng và điều hành kinh tế vĩ mô./.

 
Minh Phương