Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu thảo luận. Ảnh:quochoi.vn
Phát biểu trước Quốc hội thảo luận các báo cáo về phòng chống tham nhũng, tội phạm, sáng 13/11, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ quan tâm đến hai số liệu phản ánh tội phạm tăng nhưng mang lại hai tâm trạng khác nhau của người dân. Đó là số liệu tội phạm vi phạm pháp luật về tham nhũng, chức vụ tăng 30,35% so với năm 2017, người dân phấn khởi, tin tưởng. Song số liệu tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên cũng tăng 30,09% số vụ, 32,58% số đối tượng. Bên cạnh đó, tội hiếp dâm trẻ em tăng 2,47% khiến người dân rất lo lắng, bức xúc.
Với số liệu thứ hai, vị đại biểu đoàn Phú Yên phân tích, người dân rất lo lắng bởi lẽ thanh thiếu niên được xem là lực lượng rường cột của nước nhà, là tương lai tươi sáng của dân tộc. Vì vậy, tội phạm ở độ tuổi này trên 30% là điều rất đáng quan ngại. Đại biểu cũng dẫn ra những con số: “Trong tổng số đối tượng phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên, 67% là ở độ tuổi từ 16-18 tuổi. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân là 21,3% trong đó là những người ông, cha, anh, em trực tiếp xâm hại, thầy cô giáo và nhân viên nhà trường là 6,2%, những người quen, những người hàng xóm là trên 60%”.
Đại biểu cho rằng có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến thực trạng này. Đồng thời nhấn mạnh, phải nhìn thẳng vào thực tế đó là có một số cấp ủy chính quyền, các cơ quan ban, ngành có quan tâm đến thực trạng này nhưng chưa quyết tâm, quyết liệt. Cơ quan chức năng có làm, có hành động nhưng làm chưa đồng bộ, chưa thành phong trào, xu thế như đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong các cơ quan, tổ chức còn có nhiều người vẫn còn bàng quan, thờ ơ, đứng ngoài, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Nêu lên thực trạng này, đại biểu đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh phòng chống, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, ngăn chặn tội hiếp dâm trẻ em.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) dành trọn thời gian phát biểu về tình hình xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp thời gian qua để làm rõ thêm báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2018 của Chính phủ.
Trước hết, đại biểu dẫn thống kê từ Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc, trên thế giới, cứ 4 trẻ em gái có 1 trẻ em bị xâm hại và tỷ lệ này là 1/6 ở trẻ em trai. Ở Việt Nam, trung bình cứ 8 giờ lại có một trẻ bị xâm hại.
Đại biểu tiếp tục dẫn lại con số trong báo cáo của Chính phủ: từ đầu năm 2018 đến nay, có 1.189 vụ, trong đó, có 457 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 2,47% so với cùng kỳ, 184 vụ dâm ô trẻ em, 548 vụ giao cấu với trẻ em. Hằng năm, các cơ quan y tế giám định khoảng 2.000 trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, trên 80% nạn nhân bị xâm hại tình dục là các bé gái.
Tuy nhiên, theo đại biểu, những con số này mới chỉ là những vụ việc được báo cáo và tin rằng trên thực tế, số vụ xâm hại trẻ em chắc chắn còn lớn hơn khi nhiều nạn nhân và gia đình không dám lên tiếng, có những vụ việc chìm trong im lặng hoặc vì một lý do nào đó đã không được thống kê.
Đặt câu hỏi hậu quả của xâm hại tình dục trẻ em là gì?, đại biểu tâm tư: “Có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu, đối với bản thân các em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất mà còn tổn thương nặng nề về tinh thần. Các em sẽ mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng, thậm chí dẫn đến tự tử. Chắc chắn con đường tương lai của các em sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Đối với xã hội, xâm hại trẻ em gây hoang mang, bức xúc, bất ổn và kéo lùi sự phát triển của xã hội”.
Từ những phân tích trên, để ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em, đại biểu kiến nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao nhận thức, đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Đề cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc ngăn chặn, tố giác, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại trẻ em. Xây dựng cộng đồng thành một bức tường rào vững chắc bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.
Theo đại biểu, cần tăng cường phòng ngừa và bảo vệ trẻ em, nhiệm vụ đó trước hết thuộc về gia đình. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý, dạy cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết và cách thức phòng vệ tự bảo vệ bản thân mình.
Đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần nghiên cứu, đưa nội dung giáo dục giới tính vào các chương trình giảng dạy sao cho phù hợp. Các cơ sở giáo dục cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác bảo mẫu, về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em không bị xâm hại.
Đề nghị ngành công an đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm xâm hại trẻ em. Thiết lập đường dây nóng, điện thoại, email, hộp thư tố giác tội phạm tại nơi công cộng và nơi có nguy cơ cao. Xây dựng quy định áp dụng điều tra riêng đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em để thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện hệ thống văn bản pháp luật và công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Cuối cùng, đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh sửa các quy định pháp luật chưa phù hợp và thống nhất trong đường lối quan điểm xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho trẻ. Khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em thời gian qua. Kiên quyết không để các vụ việc chìm vào im lặng, gây bức xúc cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, cần tăng mức hình phạt thích đáng, nghiêm khắc và không thể có sự khoan hồng đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo tính dăn đe, cảnh báo cho toàn xã hội./.
Kim Thanh