Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu
Theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ đội Biên phòng đã chủ trì và phối hợp bắt giữ, xử lý tổng số 293 vụ và 176 đối tượng. Tạm giữ tang vật 1.786.663 lít xăng dầu và 14.000 lít dung môi xăng, 297.741 bao thuốc lá các loại, 47.850 kg đường cát, 278 thùng bia và nước ngọt, 1.106 kg động vật hoang dã và 6.770 kg tê tê, 18 ô tô, hơn 1 tỷ đồng, 35.176 USD, hơn 74 triệu Riel và nhiều hàng hoá khác. Tổng giá trị hàng hoá tạm giữ khoảng hơn 28 tỷ đồng.
Phân tích phương thức, thủ đoạn của các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh cho rằng, các đối tượng lợi dụng cơ chế chính sách kinh tế, những bất cập trong một số văn bản pháp luật, sự sơ hở trong hoạt động tuần tra, kiểm tra của lực lượng chức năng và luôn tìm cách móc nối với các lực lượng chức năng, nhất là người đứng đầu đơn vị, người trực tiếp làm việc ở các cửa khẩu, cảng biển hoặc lợi dụng việc chuyển tải, vận chuyển xăng dầu nhập kho, gửi kho ngoại quan, hợp thức hoá đơn, chứng từ và vận chuyển trực tiếp đến nơi tiêu thụ.
Đối tượng buôn lậu cũng lợi dụng triệt để điều kiện khu vực biên giới để lôi kéo trực tiếp hoặc thuê dân khu vực biên giới tham gia vận chuyển hàng lậu. Tại các cửa khẩu và cảng biển, các đối tượng buôn lậu lợi dụng hệ thống phân luồng trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng như khai báo sai số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá hàng hoá hoặc huỷ tờ khai nếu hệ thống phân luồng đỏ hoặc uỷ thác cho các doanh nghiệp mới, có uy tín làm thủ tục thông quan… bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh hàng hoá để buôn lậu với số lượng lớn các mặt hàng có giá trị cao hoặc lợi dụng các tàu chuyên tuyến để nhập lậu hàng hoá…
Lực lượng chống buôn lậu có “chống lưng” cho đối tượng buôn lậu?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng thẳng thắn đặt câu hỏi “Lực lượng chống buôn lậu có chống lưng, tiếp tay cho buôn lậu hay không trong khi chúng ta rất nhiều lực lượng chuyên trách nhưng buôn lậu vẫn hoành hành? Không lẽ buôn lậu từ trên trời rơi xuống?”
Vì thế, ông Nưng đề nghị phải có giải pháp mới, thật sự quyết liệt đối với công tác này để có biện pháp thật sự hữu hiệu. Không để tình trạng tháng nào các lực lượng chống buôn lậu làm quyết liệt, ráo riết thì nói buôn lậu tăng, ít làm thì báo cáo buôn lậu giảm. “Những người làm trong lực lượng này là rất đáng tự hào. Do đó, càng phải giữ mình trong sạch không để bị đối tượng buôn lậu mua chuộc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cũng nêu vấn đề, lực lượng chức năng đã thực sự trong sạch chưa? Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra đột xuất, bí mật, bất ngờ một số nơi mà các lực lượng buông lỏng nhiệm vụ để có biện pháp xử lý.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Lê Minh Đức cho biết, thời gian qua tỉnh Long An luôn là điểm nóng trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nên đích thân Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo 389 của tỉnh (hiện nay Long An là địa phương duy nhất Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo). Khi Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban thì sự chỉ đạo quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn, các lực lượng chức năng phối hợp nhịp nhàng hơn.
Ông Đức đề nghị cần xây dựng quy chế phối hợp chống buôn lậu giữa các lực lượng chống buôn lậu, giữa các tỉnh trọng điểm như Long An, Tây Ninh, TPHCM… đồng thời, kiến nghị lắp đặt camera tại một số vị trí trọng yếu dọc tuyến biên giới.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tại Hội nghị cho hay qua công tác rà soát nội bộ các đơn vị bộ đội biên phòng tuyến biển và các tỉnh Tây Nam Bộ từ đầu năm đến nay, chưa phát hiện trường hợp cán bộ có nghi vấn hoặc liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn khả năng bị móc nối, tiếp tay cho buôn lậu trước sự tác động về lợi ích vật chất của tội phạm buôn lậu.
Bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ rõ công tác chống buôn lậu không phải riêng của một lực lượng nào, ngành nào hay địa phương nào mà là của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn dân với các lực lượng chuyên trách đóng vai trò nòng cốt.
Để đấu tranh có hiệu quả công tác chống buôn lậu, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện thật tốt sức mạnh tổng hợp của mình, tập trung vào một số nội dung như quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; yêu cầu Chủ tịch UBND và Trưởng Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố nêu cao trách nhiệm người đứng đầu để có giải pháp chỉ đạo quyết liệt đối với lực lượng chức năng địa phương thực hiện tốt công tác chống buôn lậu. Bộ Quốc phòng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng như cảnh sát biển, hải quan, công an, quản lý thị trường để ngăn chặn buôn lậu từ biên giới, khu vực tiếp giáp biên giới, tuyên truyền vận động nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu…
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị Bộ đội Biên phòng tiến hành đồng bộ các mặt công tác chuyên môn, duy trì và thực hiện nghiêm túc các quy định trong đấu tranh, bắt giữ, xử lý vụ việc. Tập trung điều tra, bóc gỡ đường dây ổ nhóm buôn lậu có tổ chức, các đầu nậu lớn, liên kết trong-ngoài biên giới, xác lập đối tượng, chuyên án cụ thể để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.
Xác định trách nhiệm của người chỉ huy, đứng đầu đơn vị, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để chiến sĩ bị mua chuộc và lôi kéo bảo kê, tiếp tay hoặc làm ngơ cho buôn lậu, không bị sa ngã bởi những viên đạn bọc đường, chống tiêu cực ngay trong các đơn vị lực lượng chức năng chống buôn lậu, kịp thời xử lý cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát biên giới và vùng biển, làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền các cấp vùng biên, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị, phát triển với các nước bạn.
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Chăm lo phát triển KT-XH vùng biên giới để nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu
Phân tích về các nguyên nhân khách quan của thực trạng buôn lậu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ về khách quan thì xuất hiện buôn lậu theo quy luật cung-cầu, giá cả chênh lệch, hàng hoá sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng là môi trường để buôn lậu xuất hiện như mặt hàng đường cát hiện nay; đời sống nhân dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn nên bị đối tượng buôn lậu lôi kéo tiếp tay cho buôn lậu; tuyến biên giới rộng, quản lý khó, lực lượng mỏng…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá có nguyên nhân chủ quan như luật pháp chưa đầy đủ, chưa nghiêm nhưng mấu chốt vẫn là con người. Lực lượng chống buôn lậu phải đủ, phải mạnh, chế độ phải tốt để cán bộ yên tâm công tác; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng phải chặt chẽ không để đối tượng buôn lậu mua chuộc, lôi kéo bằng thủ đoạn làm quen, lễ tết, quà cáp để từ đó có hiện tượng “chống lưng”, tiếp tay cho buôn lậu.
Trên cơ sở đó, cần xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với quốc phòng toàn dân, biểu dương các điển hình nhưng thực tế vẫn còn lỗ hổng như phối hợp chưa tốt, trang bị chưa đầy đủ,phương tiện còn thô sơ... “Lực lượng chống buôn lậu gắn camera để theo dõi buôn lậu thì đối tượng buôn lậu cũng gắn camera theo dõi lại lực lượng để nắm tình hình, án binh bất động khi lực lượng đi làm nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng nói.
Qua đây, Phó Thủ tướng đề ra các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thời gian tới.
Phó Thủ tướng chỉ rõ giải pháp căn cơ nhất trong công tác chống buôn lậu vẫn là chăm lo ổn định công ăn việc làm cho bà con nhân dân vùng biên giới, nâng cao dân trí, an sinh xã hội, quan tâm hộ nghèo, gia đình chính sách để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị trên địa bàn biên giới với nhiều phong trào thiết thực, tiêu biểu, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu.
Chính quyền các địa phương cần có chính sách kêu gọi doanh nghiệp lên vùng biên giới để đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhân dân. Nhà nước có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lên khu vực biên giới đầu tư, kinh doanh… Như vậy, tình trạng buôn lậu sẽ từng bước được ngăn chặn khi mà người dân có đời sống ấm no, dân trí được nâng cao, không tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ cần xác định “trọng điểm của trọng điểm”, mặt hàng trọng điểm, khi vực trọng điểm, thời gian trọng điểm của đối tượng buôn lậu, có kế hoạch cụ thể, phân công xác định rõ trách nhiệm của chỉ huy các cấp và các lực lượng, cán bộ giữ gìn uy tín và sự trong sạch của Bộ đội Biên phòng, xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để cán bộ sai phạm.
Lê Sơn