Không để bị động với công tác ứng phó sự cố, thiên tai 

(Chinhphu.vn) - Đây là mệnh lệnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ủy ban) với công tác ứng phó sự cố, thiên tai tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần, trách nhiệm, hành động quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ủy ban.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải rất nỗ lực, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm để khắc phục có hiệu quả. 

Về cơ bản đã giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Tuy nhiên thiệt hại do thiên tai còn lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Công tác ứng phó với thiên tai, sự cố, TKCN có lúc, có nơi còn chủ quan, còn bị động, còn để bị bất ngờ, lúng túng. Phó Thủ tướng nêu dẫn chứng và yêu cầu tổ chức rút kinh nghiệm công tác xử lý sự cố hóa chất do cháy nổ tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội).

Việc khắc phục hậu quả tuy đã đạt được nhiều mặt tích cực, tuy nhiên có những vụ còn chậm nên hậu quả xảy ra còn lớn. Đặc biệt liên quan đến các vụ cháy, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho ứng cứu sự cố, xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy nhà cao tầng còn thiếu. Việc di chuyển, cơ động khi cứu nạn, cứu hộ, nhất là trong các thành phố, khu dân cư còn khó khăn.

Công tác quản lý tàu cá hoạt động đánh bắt trên biển, công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển chưa được chặt chẽ. Công tác dự phòng trang bị, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu “4 tại chỗ” tại một số địa bàn nằm trong vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ còn chưa được coi trọng đúng mức.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Không để bị động, bất ngờ

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; thời tiết trên biển, vùng ven bờ tiếp tục có khả năng diễn biến phức tạp hơn. Đồng thời, các hoạt động sản xuất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, sự cố.

Tình hình trên cùng với những tồn tại, hạn chế của công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN đang đặt ra cho Ban Chỉ đạo nói chung, các thành viên, các bộ, ngành, địa phương những nhiệm vụ hết sức nặng nề với mục tiêu chủ động phòng ngừa, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra sự cố, tai nạn, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Phó Thủ tướng lưu ý, vấn đề phòng, chống các sự cố sau thiên tai, mưa bão cần đặt biệt quan tâm vì thực tiễn thời gian qua, thiệt hại chủ yếu lại là các sự cố sau thiên tai như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Đây là những vấn đề mà các cấp, các ngành, địa phương phải chung tay giải quyết.

"Yêu cầu là không để bị động, bất ngờ khi xảy ra thiên tai, sự cố. Đồng thời gắn công tác ứng phó sự cố, TKCN với công tác phòng, chống thiên tai. Khi xảy ra sự cố phải khắc phục nhanh để giảm thiểu những thiệt hại, đặc biệt là về tính mạng người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 yêu cầu.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, tham mưu với Chính phủ để giải quyết các vướng mắc trong hệ thống quy định pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và TKCN giai đoạn 2016-2020 và các văn bản chỉ đạo có liên quan thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng phát huy vai trò nòng cốt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, xử lý, khắc phục các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn xảy ra.

Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ TKCN chuyên trách, kiêm nhiệm, nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ TKCN trên biển, sự cố hóa chất độc xạ, sinh học.

Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho mọi tầng lớp nhân dân. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp dân ứng phó với tình huống cháy nổ, phòng chống thiên tai và TKCN, tăng cường kiểm tra các cơ sở hoạt động có nguy cơ cháy nổ cao.

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cấp quốc gia: Ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các loại hình thiên tai khác. Bộ chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, chủ động di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các trung tâm đăng kiểm tàu cá thực hiện tốt việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá; quản lý thuyền viên tàu cá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không đốt bừa bãi gây cháy rừng.

Bộ TN&MT chỉ đạo làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, đảm bảo kịp thời, chính xác. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát quy trình vận hành hồ chứa, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể và chính quyền địa phương, hướng dẫn cụ thể rõ ràng, không để lúng túng trong vận hành hồ chứa nước.

"Đặc biệt chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT và các địa phương trong việc lập bản đồ các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vấn đề này phải làm quyết liệt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện và các công trình thuộc lĩnh vực quả lý Nhà nước của ngành; xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố hóa chất độc xạ; hướng dẫn các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố theo quy định.

Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch thoát nước trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị khi mưa lớn. "Rà soát lại các công trình, nhà ở cũ có nguy cơ sập đổ khi ảnh hưởng của thiên tai; hỗ trợ các địa phương trong việc thiết kế, xây dựng nhà ở đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, có khả năng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khác, các thành viên Ủy ban tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm hơn nữa, tập trung theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên các nhiệm vụ theo nhiệm vụ đã phân công.

Nhật Bắc

248 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 752
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 752
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87068399