Không để bất cứ sự cố tàu thuyền nào xảy ra do chủ quan 

(ĐCSVN) - Ứng phó với bão KAMMURI, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị không để bất cứ sự cố tàu thuyền nào xảy ra do không có thông tin và do chủ quan.

 

 Quang cảnh buổi họp. (Ảnh: BT)

Sáng 3/12, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp với các cơ quan, đơn vị liên quan sẵn sàng các phương án ứng phó với bão KAMMURI.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, hồi 1h ngày 3/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và đi vào Biển Đông. Đến 1 giờ ngày 4/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 119,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 630km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Để ứng phó với bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển: Thái Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình Thuận đã có công điện, thông báo gửi các Sở, ban, ngành và các địa phương đề nghị sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với bão, gió mùa Đông Bắc.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau triển khai thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 19/CĐ-TW ngày 2/12/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, gió mùa Đông Bắc để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, ứng phó với bão, Tổng cục thường xuyên cung cấp thông tin cơn bão cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Đồng thời, tổng hợp tình hình tàu thuyền, chỉ đạo các lực lượng liên quan của Tổng cục sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị, không để bất cứ sự cố tàu thuyền nào xảy ra do không có thông tin và do chủ quan.Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cần thường xuyên đưa các bản tin một cách kịp thời, chính xác về đường đi, quỹ đạo, cường độ của bão. Do quỹ đạo của cơn bão phụ thuộc rất lớn vào không khí lạnh, trong khi không khí lạnh diễn biến rất phức tạp.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng cần thường xuyên phát các bản tin về diễn biến cơn bão, đặc biệt về vùng ảnh hưởng. Lực lượng bộ đội biên phòng hướng dẫn cho các thuyền trưởng biết vùng ảnh hưởng của bão. Hiện nay, còn 1 tàu đang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão sắp tới khi dự kiến ngày 6 bão sẽ đến vùng này, vì vậy, lực lượng bộ đội biên phòng cần liên lạc ngay với chủ tàu này, đề nghị đi ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

Với dự báo, khả năng bão sẽ đi về phía quần đảo Trường Sa, do vậy, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu cần thông tin để cán bộ, chiến sỹ, chính quyền và nhân dân trên đảo chuẩn bị các phương án ứng phó với bão. Đặc biệt khi tàu thuyền neo đậu ở quần đảo Trường Sa, cần đảm bảo không có sự cố xảy ra.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị về phía Bộ Ngoại giao, cần chuẩn bị các phương án liên hệ với các nước bạn để ngư dân trú tránh khi có các tình huống bất ngờ xảy ra./.

 
BT
260 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1334
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1334
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87145804