Coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân phân tích vấn đề từ tiêu chí thặng dư thương mại. Ông Ngân cho rằng, nếu nhìn vào tổng thể, Việt Nam có độ mở kinh tế cao, quan hệ giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam nhập siêu nhiều hơn là xuất siêu.
Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên toàn cầu cho nên thương mại quốc tế cũng biến động. Cụ thể, ở nhiều thị trường, doanh nghiệp (DN) quốc tế bị ảnh hưởng do dịch, trong khi tại Việt Nam, nhờ khoanh vùng kiểm soát nghiêm ngặt từ sớm và ý thức tuân thủ phòng dịch của người dân tốt, nên kiềm chế dịch COVID-19 tương đối hiệu quả. Điều này tạo điều kiện để các DN làm ăn tại Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động sản xuất khiến năm 2020 có kết quả xuất siêu ước tính khoảng 20 tỷ USD, trong đó có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.
Nếu phân tích sâu về ngoại thương của Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, nhưng đi kèm với đó kim ngạch nhập khẩu cũng rất lớn. Việt Nam phải nhập nhiều nguyên, vật liệu làm đầu vào sản xuất hàng xuất khẩu. Do đó, nếu “cố tình” định giá VND thấp, như phía Bộ Tài chính của Hoa Kỳ nhận định, thì Việt Nam sẽ phải nhập hàng hoá đắt hơn, điều này không tạo ra bất cứ lợi thế cạnh tranh nào, thậm chí gây bất lợi lớn cho chính mình.
|
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân |
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không chỉ Việt Nam mà nhiều nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu. Trong bối cảnh thu nhập người dân còn ở mức trung bình thấp, Việt Nam buộc phải tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại là hoàn toàn tự nhiên, nhà điều hành không có lí do gì can thiệp tiền tệ để hạ giá hơn nữa hàng xuất khẩu, tạo thêm lợi thế cạnh tranh.
Để nhận xét về điều hành, các đối tác cần chú ý đặc điểm nền kinh tế Việt Nam một cách đầy đủ theo cả quá trình. Nhìn vào quá khứ, nền kinh tế Việt Nam đã có lúc phải chịu bất ổn do vấn đề lạm phát cao, mất giá đồng tiền. Do đó, mục tiêu hàng đầu của các nhà điều hành ở Việt Nam là vận hành nền kinh tế thị trường phát triển nhưng phải đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô.
Khi làm việc với Cơ quan Phát triển tài chính Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rõ quan điểm, điều Việt Nam quan tâm nhất lúc này là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, nếu phá giá mạnh VND, sự xáo trộn có thể gây thiệt hại lớn đối với cả nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã bám sát các chủ trương của Chính phủ, theo đuổi các chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN thậm chí mong muốn duy trì sức mạnh, sự ổn định của VND. Do đó, nhận định Việt Nam cố ý hạ giá trị đồng tiền nhằm tạo lợi thế trong cán cân thương mại hoàn toàn không phù hợp với mong muốn của các nhà điều hành Việt Nam.
“Thực tế, việc bán thêm được ít hàng xuất giá rẻ sang Hoa Kỳ không thể sánh được với lợi ích của việc duy trì sự ổn định, tăng lòng tin của các nhà đầu tư, DN. Nếu cố phá giá tiền VND như nhận định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tổn thương cho nền kinh tế”, ông Trần Hoàng Ngân phân tích.
Thêm nữa, nhìn từ một góc độ khác, nếu Việt Nam không được đưa khỏi danh sách và phải hứng chịu biện pháp tăng thuế nhập khẩu, thì hàng hoá sẽ đắt hơn, gây khó khăn cho các nhà sản xuất hàng xuất khẩu ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngay cả DN FDI của Hoa Kỳ đầu tư tại đây, sản xuất hàng hoá mang nhãn hiệu “made in Việt Nam” cũng gặp nhiều bất lợi. Do đó, chính đại diện cộng đồng DN Hoa Kỳ cũng cho rằng, việc “trừng phạt” thuế (nếu xảy ra) sẽ gây tâm lý bất ổn cho cộng đồng nhà đầu tư Hoa Kỳ đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam. Thay vào đó, cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nên tập trung nhiều hơn vào việc phối hợp, nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp để hàng hoá của mình thâm nhập tốt hơn vào thị trường Việt Nam.
“Việc tăng thuế sẽ cản trở các DN Hoa Kỳ muốn chuyển dịch đầu tư, dây chuyền sản xuất từ nước thứ ba sang Việt Nam để sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Điều này mâu thuẫn với chính mục tiêu ban đầu của chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
|
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. |
Dự trữ ngoại hối để bảo đảm an toàn nền kinh tế có độ mở cao
Chuyên gia Trần Hoàng Ngân cho rằng, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng hơn 100 tỷ USD, hiện chưa phải lớn, nếu so với lượng nhập khẩu 260 tỷ USD, mới bảo đảm 12 đến 14 tuần (khoảng 3 tháng) nhập khẩu, vẫn còn thấp nếu so với 5 tháng nhập khẩu của Singapore, 8 tháng của Philippines, Hàn Quốc hay 9 tháng của Thái Lan và 14 tháng của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4% trong khi lạm phát của Mỹ chưa đến 2%, việc tiền đồng mất giá 1-1,5% là bình thường. Việc NHNN mua vào ngoại tệ thực chất là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, hoàn toàn theo cung cầu, do đó tỉ giá hiện nay là hoàn toàn phù hợp.
Có cùng quan điểm về vấn đề ngoại tệ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, về mặt ngoại thương, Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế rất lớn, nên vẫn cần có lượng ngoại tệ dự trữ đủ để bảo đảm an toàn cho quốc gia. Hơn nữa, khi nguồn cung USD dồi dào trên thị trường với giá trị tương đối hợp lý thì việc NHNN tranh thủ mua thêm là bình thường không hề có chủ đích nào khác.
Hơn nữa khi tăng trưởng xuất khẩu, các nhà xuất khẩu của Việt Nam bán hàng thu về tiền USD, nên cũng là yếu tố làm tăng nguồn cung USD trên thị trường. Chính các DN này cũng không thể dùng toàn USD mà vẫn có nhu cầu bán đi mua tiền VND để sản xuất kinh doanh, quay vòng vốn, mở rộng đầu tư…
Cán cân vãng lai của Việt Nam gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, đặc biệt là kiều hối. Những năm gần đây, Việt Nam xuất siêu nhưng không lớn, khoảng 5 đến 10 tỷ USD/năm, riêng năm 2020 khoảng 15,7 tỷ USD. Cán cân vãng lai của Việt Nam chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Đây là yếu tố khách quan, không phải do tỉ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài chuyển tiền về cho người thân. Do đó, tỉ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí Hoa Kỳ quy định mức 2% GDP.
Tiêu chí thao túng tiền tệ liệu còn đúng trong bối cảnh toàn cầu hoá?
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV Cấn Văn Lực cho hay, một số tổ chức quốc tế uy tín, trong đó có Viện Nghiên cứu kinh tế Quốc tế Peterson (Viện Peterson) thường xuyên nghiên cứu về vấn đề cáo buộc thao túng tiền tệ, cũng đưa ra nhận định rằng cáo buộc từ Bộ Tài chính Mỹ với Việt Nam chưa thỏa đáng và không phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh rằng Bộ Tài chính Mỹ đã có những sai sót khi đưa ra các tiêu chí để xác định một nền kinh tế là thao túng tiền tệ.
Viện Peterson chỉ ra sự không hợp lý qua 3 lý do. Thứ nhất, các quốc gia có nhu cầu hợp pháp về một lượng dự trữ ngoại hối vừa phải để chống chịu với các cú sốc bất ngờ. Trong số 2 quốc gia bị gắn mác thao túng tiền tệ và 10 nền kinh tế bị đưa vào danh sách theo dõi, tất cả các nước đều vượt tiêu chí dự trữ ngoại hối với biên độ rộng, trừ Việt Nam.
|
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. |
Thứ hai, việc sử dụng tiêu chí có thặng dư cán cân thương mại song phương với Mỹ như là tiêu chí chính để xác định một nền kinh tế thao túng tiền tệ là không có cơ sở trong kinh tế học, nhất là trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, các nền kinh tế tham gia sâu và đa dạng trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Viện Peterson dẫn ví dụ về trườg hợp của Singapore. Nước này nhập khẩu nhiều từ Hoa Kỳ, khiến Hoa Kỳ có thặng dư thương mại rõ ràng trên sổ sách. Nhưng thực tế hàng hóa nhập khẩu này lại được xuất đi Trung Quốc và các nước châu Á khác, để làm nguyên liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu sang chính Hoa Kỳ. Như vậy, chính Singapore gián tiếp đóng góp đáng kể vào thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.
Thứ ba, chỉ xem xét việc thao túng tiền tệ đối với các quốc gia có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình cao; trong khi đó Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Ông Cấn Văn Lực hy vọng, Bộ Tài chính Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn đến các đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (như WB, IMF) đối với Việt Nam. Đó là, khi một nền kinh tế đang phát triển nhanh và độ mở cao, cần thiết phải có các công cụ phù hợp thông lệ quốc tế cho phát triển kinh tế bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.
Thiện chí của Việt Nam
Theo dõi sát các diễn biến vừa qua, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam luôn nỗ lực tôn trọng các “luật chơi” trong môi trường thương mại quốc tế và rất trân trọng mọi cơ hội đối thoại với đối tác Hoa Kỳ. “Bên cạnh việc khẳng định quan điểm rõ ràng với đối tác Hoa Kỳ, Chính phủ cũng như các bộ, ngành của Việt Nam đang có động thái tích cực để đối thoại, cũng như hành động để giải quyết khúc mắc giữa 2 bên”, vị chuyên gia này nói.
Ngay tại buổi tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Richard Pompeo, bên cạnh các nội dung ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ rõ thiện chí giải quyết vấn đề còn vướng mắc để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa 2 nước lên tầm cao mới.
Ông Nguyễn Trí Hiếu đưa ra nhận định, với đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để cân bằng các mục tiêu kinh tế vĩ mô trong nước đi đối với triển khai tốt quan hệ song phương. Dù còn hạn chế về nguồn lực tài chính và cũng chịu nhiều thiệt hại kinh tế liên tiếp do dịch COVID-19 và thiên tai, song Việt Nam vẫn đang tìm kiếm thêm giải pháp hài hoà hơn cán cân thương mại, khuyến khích các DN mua thêm nhiều hàng hoá Hoa Kỳ.
Góp ý về cơ chế quản lý ngoại hối, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù thời qua đã làm tốt nhiệm vụ ổn định vĩ mô, nhưng NHNN cũng nên nghiên cứu sử dụng tốt hơn các công cụ thị trường, hạn chế tối đa gây hiểu lầm về việc thao túng tiền tệ.
“Nếu 2 bên tích cực trao đổi và với thiện chí cải thiện của Chính phủ Việt Nam hiện nay, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ”, ông Hiếu bày tỏ.
Chuyên gia Trần Hoàng Ngân phân tích thêm, không chỉ nỗ lực cân bằng thương mại, lãnh đạo Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc chọn lọc các DN FDI, hay đấu tranh với hiện tượng gian lận xuất xứ, trong đó có việc hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Nhận định tình hình diễn biến phức tạp của thương mại và đầu tư toàn cầu, từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành và chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo vệ lợi ích các DN làm ăn chân chính, sản xuất hàng Việt có chất lượng, giá trị cao.
“Việc khung pháp lý đang dần hoàn thiện, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ đấu tranh hiệu quả hơn với tình trạng bị lạm dụng xuất xứ "made in Vietnam", khiến hàng Việt Nam bị rủi ro đánh thuế "oan". Các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến các đối tác thương mại quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ”, ông Trần Hoàng Ngân kỳ vọng.
Huy Thắng