Đây là nhận định của bà Đinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam) ngành bán lẻ nêu tại hội thảo “Tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam” vừa diễn ra tại TPHCM.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, cùng với đó là sự phát triển của công nghệ số, ngành bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển với nhiều xu thế mới. Hiện nay, bán lẻ theo chuỗi là xu hướng phát triển của các nhà bán lẻ, kể cả các nhà bán lẻ nhỏ, nhà đầu tư khởi nghiệp… Ở hầu hết các ngành bán lẻ đều có thể kinh doanh theo chuỗi, ví dụ chuỗi bán lẻ di động, điện máy, thời trang, giày dép, đồ dành cho mẹ và bé, chăm sóc sắc đẹp, mỹ phẩm, dược phẩm… và đặc biệt phát triển mạnh mẽ là các chuỗi ẩm thực, ăn uống.
Mô hình bán lẻ chuỗi chỉ mới phát triển mạnh ở Việt Nam trong vài năm gần đây nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao doanh thu. Theo ước tính, mô hình kinh doanh chuỗi ở Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, khoảng 20-30%/năm trong vài năm gần đây.
Cũng theo bà Loan, triển vọng ngành bán lẻ theo chuỗi chỉ thành công nếu đáp ứng được quy mô lớn, phương pháp quản trị tốt và có thương hiệu uy tín. Hiện nay, các chuỗi phát triển ở Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các chuỗi lớn trên thế giới. Bán lẻ Việt Nam cũng rất sáng tạo và có nhiều điểm đặc thù của ngành bán lẻ Việt và văn hóa Việt.
Trong nhiều yếu tố đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành bán lẻ thì vấn đề lựa chọn vị trí mặt bằng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, bên cạnh các yếu tố nguồn nhân lực, tài chính, chiến lược, kỹ năng, công nghệ… Nhiều nhà bán lẻ lựa chọn các trung tâm thương mại, tổ hợp có tất cả điều kiện về công nghệ, môi trường.
Tương lai ngành bán lẻ Việt Nam gồm công nghệ và sáng tạo. Nếu không có công nghệ và không có sáng tạo thì bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay, bà Loan nhấn mạnh
Đồng quan điểm trên, ông Geoffrey Morrison, Sáng lập và Giám đốc điều hành Concept I cho biết sản phẩm chỉ là thứ cấp so với trải nghiệm. Xu hướng bán lẻ mới cho thấy, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, truyền thông số chính là tương lai của ngành bán lẻ.
Yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của ngành bán lẻ đó chính là công nghệ. Công nghệ tạo ra đặc thù độc đáo, tạo sự tương tác của khách hàng với công nghệ số. Giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh, thậm chí khách hàng có thể tới cửa hàng tự thiết kế, tự lựa chọn rồi đặt món hàng đó.
Theo ông Geoffrey Morrison, xu hướng không gian bán lẻ đang thay đổi rất nhiều. Nhiều thương hiệu hàng đầu cũng đã có những động thái cụ thể, phản ứng của Nike là đổi mới trong cửa hàng của họ như ngôi nhà đổi mới sáng tạo, giúp khách hàng có những trải nghiệm thực tế hơn. Nhiều cửa hàng thời trang hay ăn uống cũng đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số giúp cho hoạt đột thanh toán, nhận hàng diễn ra nhanh hơn, giúp cho cửa hàng giảm đi sai sót...
Ông Geoffrey Morrison nhấn mạnh, 3 điểm lớn để ngành bán lẻ phát triển đó là phải tăng kết nối, tăng sự tương tác tạo ra môi trương tương tác tốt hơn; gắn thẻ khách hàng thường xuyên, kết hợp công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho khách. Đồng thời, giới thiệu những đổi mới sáng tạo, tạo ra trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho khách, tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Lê Anh