Ngày 3/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Vẫn còn 199 xã có dịch chưa qua 21 ngày

Tại Hội nghị, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, trên thế giới, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang còn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia, như: Đông-ti-mo, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Mi-an-ma. Tại Trung Quốc, có 17 ổ dịch DTLCP tại 9 đơn vị hành chính.

Ở nước ta, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/8/2020, cả nước xảy ra 1.008 ổ dịch tại 248 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 43.150 con, tổng trọng lượng khoảng 2.157 tấn.

Hiện, cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế 8.923 con. Đồng thời, cả nước đã có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn.

Tính đến cuối tháng 7/2020, theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương khoảng 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng 11,6% so với thời điểm 1/1/2020 và tăng 4,2% so với thời điểm 1/4/2020.

Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành đã và đang tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng, chống DTLCP, đồng thời vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chu kỳ sinh học nên việc tái đàn, tăng đàn sản phẩm phải cuối quý III và đầu quý IV mới có thể cân đối cung – cầu, đến lúc đó, giá thịt lợn cơ bản sẽ ổn định.

Không chủ quan với dịch bệnh

Đánh giá của Cục Thú y cho thấy, do đặc điểm của vi rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng để phục vụ nhu cầu các lễ hội, thời tiết thay đổi bất lợi cho đàn lợn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Vì vậy, để tránh tình trạng để dịch bệnh tái phát và lây lan, các tỉnh, thành phố cần có chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tiến hành công bố đã hết bệnh DTLCP theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi và mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường, các khu vực chăn nuôi, khu vực nguy cơ cao. Thời gian thực hiện từ ngày 20/9 - 20/10/2020, sau đó là các tháng trước, sau Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, cần chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Đi cùng với giải pháp trên, cần rà soát, khẩn trương chi trả kinh phí hỗ trợ cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Đối với DTLCP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh với ngành chăn nuôi, tính đến thời điểm này có 98% số xã đã công bố hết DTLCP nhưng không được chủ quan khi dịch bệnh này vẫn đang nhen nhóm bùng phát trở lại./.

 

 
BT