Không chủ quan với bệnh dại 

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay trên cả nước đã xuất hiện hàng chục ca mắc bệnh dại, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc. Vì vậy, để tăng cường phòng chống bệnh dại trên người và động vật, các địa phương trên địa bàn Thành phố cũng được đẩy mạnh, nhất là công tác tiêm phòng vaccine.
Không chủ quan với bệnh dại- Ảnh 1.

Cán bộ Y tế đến thăm trường hợp trẻ em bị chó dại cắn tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: VGP/TT.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay bệnh dại đang có xu hướng gia tăng trên cả nước, để chủ động phòng chống bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội phối hợp với các báo, đài đưa tin về tình hình bệnh dại và biện pháp phòng chống để người dân áp dụng, tích cực tham gia hoạt động phòng chống bệnh dại tại cộng đồng. Đồng thời chia sẻ thông tin kịp thời với Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người dân đảm bảo việc dễ tiếp cận vaccine phòng bệnh cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại; truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Là địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại do chó cắn vào cuối năm 2023, nên để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, ngay từ đầu năm 2024, Trạm Y tế xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại gây nên.

Không chủ quan với bệnh dại- Ảnh 2.

Hiện nay vết thương do chó dại cắn của cháu bé (xã Tráng Việt) đã lành. Ảnh: VGP/TT.

Theo ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt, cuối năm 2023 trên địa bàn ghi nhận trường hợp 3 người dân bị chó dại cắn. Khi UBND xã nhận được thông tin, chúng tôi triển khai lực lượng y tế xã, công an, nhân quân và lãnh đạo các thôn tập trung chỉ đạo đưa người bị nạn đi cấp cứu, tiêm phòng. Cùng với chỉ đạo các thôn rà soát toàn bộ các hộ nuôi chó mèo mới phát sinh trong năm 2023 như chó mèo mới đẻ, chó mèo mới mua mà chưa được tiêm vaccine kịp thời lập tức phải kê khai và tổ chức đặt mua vaccine để tiêm phòng, những hộ đã tiêm vaccine chó mèo nâng cao cảnh giác phòng, chống bệnh dại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Trưởng trạm Y tế xã Tráng Việt cho biết, sau khi ghi nhận trường hợp bị chó dại cắn trên địa bàn, trạm y tế xã đã tích cực tuyên truyền trên đài phát thanh xã các bài tuyên truyền về phòng chống bệnh dại mức độ nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp chủ động phòng chống dịch. Khuyến cáo người dân trên địa bàn xã nuôi chó phải nhốt hoặc xích không được thả rông, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn xã trong thời gian tới Trạm Y tế xã Tráng Việt tiếp tục duy trì không để bệnh nhân tử vong do bệnh dại, khống chế không để xảy ra trường hợp mắc dại trên người. Ngoài ra trạm Y tế xã nâng cao năng lực điều tra, giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch. 100% các trường hợp dại lên cơn được phát hiện trong vòng 24 giờ sau khi được chẩn đoán. Phối hợp với ban thú y xã nắm bắt tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại của đàn chó, mèo trên địa bàn. Phối hợp điều tra, đôn đốc nhân dân cùng tham gia giám sát chủ động tích cực phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ mắc dại trên người và báo cáo kịp thời về trạm Y tế theo đúng quy định.

Trong năm 2024 chuẩn bị cho kế hoạch tiêm phòng bệnh dại UBND xã triển khai tổng kiểm kê toàn bộ số chó mèo được nuôi trên địa bàn để có phương án cụ thể. Thú y xã đi xuống trực tiếp đến các hộ nuôi chó mèo để tiêm vaccine 100% chó, mèo đồng thời yêu cầu các hộ ký cam kết nuôi cho mèo phải nhốt xích, thả ra phải đeo rọ mõm… Khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương; nếu bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; diệt chó chạy rông, chó vô chủ; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng; vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có); hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Thiện Tâm

67 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 738
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 738
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185451