|
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: BT) |
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng 10h sáng nay, bão số 10 có cường độ cấp 8, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km. Dự báo diễn biến của cơn bão rất phức tạp, do các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến cường độ, hướng đi của cơn bão. Đồng thời, lưu ý về gió của cơn bão trên Biển Đông, cần quan tâm cảnh báo hoạt động của tàu thuyền, với gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 13.
Theo ông Khiêm, cần đặc biệt chú ý tới mưa của bão, do cùng với tác động của khối không khí lạnh nên nhìn chung, mưa hướng vào khu vực mà bão số 9 vừa rồi tác động, gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng ở miền Trung. Trong đó, từ Bình Định đến Phú Yên, lượng mưa từ 100-200mm; từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi từ 300-400mm. Dự báo mưa bắt đầu tối ngày 4/11; Với kịch bản như vậy, lũ ở một số hệ thống sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ở mức báo động 2-3.
Tại cuộc họp, đại diện của lực lượng Bộ đội biên phòng cho biết, đã duy trì 100% quân số của đồn biên phòng tuyến biển từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay các tỉnh, đã sẵn sàng lực lượng để cùng các địa phương, lực lượng chức năng tham gia phòng chống lụt bão.
Đồng thời, lực lượng Bộ đội biên phòng đã xuất cấp bổ sung lượng dự phòng, sẵn sàng chiến đấu như: áo phao, lương khô để các đơn vị tuyến trọng điểm thực hiện nhiệm vụ.
Để ứng phó với bão số 10, Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.585 tàu cá/233.327 lao động, trong đó, gồm 1.255 tàu/12.767 lao động hoạt động trên biển biết diễn biến của bão và đang di chuyển phòng tránh.
Tại cuộc họp, đại diện của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị cần có thái độ cương quyết hơn trong việc hướng dẫn, vận động các tàu thuyền trú tránh bão, rút kinh nghiệm từ một số trường hợp vừa qua, dù đã cảnh báo rồi những vẫn không chịu đi tránh bão dẫn đến những sự cố đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân ở trên tàu mà còn gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bão số 10 đã giảm cấp khi đi vào Biển Đông, tuy nhiên, bão đang lệ thuộc vào nhiều hình thái khác nhau, khó đoán định, do vậy cần phải dự báo liên tục để sẵn sàng các phương án ứng phó.
Dù dự báo bão sẽ mạnh lên hay giảm cấp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị cần thực hiện các nguyên tắc: Một là, vẫn phải đảm bảo an toàn trên tuyến biến. Do tâm lý dễ chủ quan khi biết bão giảm cấp, đồng thời với tâm lý hơn 1 tháng ngư dân ở trong bờ, muốn ra khơi, do vậy, cần quán triệt rất kỹ ở chỗ này để đảm bảo an toàn. Đồng thời, khu vực lồng bè, nuôi trồng thủy, hải sản cũng phải rất chú ý.
Thứ hai, nếu bão vào luôn kèm theo hoàn lưu mưa, rất dễ gây tổn thương ở các vùng. “Bắt đầu từ Nghệ An vào hết miền Trung, chỗ nào cũng nước bão hòa rồi nên bất kỳ mưa 100-200 mm là giọt nước tràn ly, dễ gây ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, nên liên tục phải dự báo, cảnh báo sát tình hình, đặc biệt là mưa” –Bộ trưởng đề nghị.
Bên cạnh đó, cần đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp, do lượng mưa về cần lưu ý. Trong chỉ đạo, cần đặc biệt chú ý đến phương châm “4 tại chỗ”. Một số địa điểm mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn vừa qua đã thể hiện rõ điều này và triển khai tốt. Với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cần có các đề nghị về trang thiết bị cần hỗ trợ thêm để ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn để sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng đề nghị không được chủ quan khi ứng phó với bão số 10. Cần theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão để kịp thời thay đổi các phương án ứng phó cho phù hợp.
Trong đó, nhiệm vụ số 1 là tập trung rà soát tàu thuyền trên biển, đưa về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Với nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng giao Bộ đội biên phòng, Tổng cục Thủy sản,… phối hợp với các địa phương triển khai. Cần rút kinh nghiệm từ cơn bão vừa qua.
Đồng thời, phải sơ tán người dân ra khỏi lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy hải sản ven biển, không được chủ quan ở khu vực này do tâm lý chủ quan khi dự báo cơn bão không lớn. Phó Thủ tướng đề nghị cần đảm bảo an toàn cho những tàu đang tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần theo dõi chặt chẽ cơn bão để sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi cơn bão đổ bộ. Sơ tán người dân ra khỏi khu vực dễ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Cùng với nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng đề nghị cần khắc phục các sự cố vừa rồi xảy ra tại các công trình, những trường học, bệnh viện, đường giao thông, thông tin liên lạc,… vừa tổ chức khắc phục, vừa ứng phó.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh về bảo vệ an toàn hồ đập: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nếu vỡ đập, vỡ hồ. Các hồ đập đa mục tiêu như thủy điện, thủy lợi làm lợi cho kinh tế đất nước nhưng chúng ta cũng cần hết sức quan tâm đến mặt tiêu cực của các hồ này, kiểm tra thường xuyên các hồ yếu;... sàng theo phương châm “4 tại chỗ”. Qua các đợt cứu hộ, cứu nạn vừa rồi, cần rút ra kinh nghiệm, linh hoạt ứng phó với mọi tình huống.
Phó Thủ tướng yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ cơn bão. Đồng thời, về dài hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung xây dựng bản đồ về đánh giá nguy cơ sạt lở đất./.