Thu nộp ngân sách trên 19.000 tỷ đồng
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, trong năm 2018, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả tích cực. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 234.000 vụ việc vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách trên 19.000 tỷ đồng (tăng 7,7% so với cùng kỳ), khởi tố 1.446 vụ án, 1.656 đối tượng (tăng 6% so với cùng kỳ).
Những thành tích này có sự đóng góp quan trọng của Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia trong công tác tham mưu, báo cáo Trưởng BCĐ ban hành và triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề. Đồng thời, đề xuất lên Trưởng ban có ý kiến chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc phức tạp, được xã hội quan tâm, như: Việc buôn lậu dưới hình thức quà biếu, hàng hóa xách tay qua đường hàng không, bưu điện tại các cảng hàng không quốc tế; vụ sản phẩm Vinaca giả thuốc chữa bệnh; vụ buôn lậu 1.157 điện thoại Iphone tại sân bay Nội Bài; vụ vận chuyển trái phép qua biên giới gần 100 tấn hàng hóa tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Con Cưng...
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá điếu, rượu, điện thoại di động, hàng tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp.
Tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phía bắc và tây nam có dấu hiệu gia tăng. Các vụ việc phát hiện, xử lý trong năm 2018 chủ yếu là các vụ việc nhỏ, xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, chưa có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm…
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc cho BCĐ 389 quốc gia; thực hiện tốt công tác điều hòa, phối hợp giữa các lượng liên ngành để triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác; xác định rõ nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng để rà soát các quy định của pháp luật, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách… không để các đối tượng lợi dụng khoảng trống, sự chồng chéo của pháp luật để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.
Đồng thời tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến công tác điều hòa, phối lực lượng liên ngành, công tác chia sẻ thông tin. Chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các hiệp hội ngành, nghề, các cơ quan thông tấn báo chí... để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hành vi tiêu cực, tiếp tay của cán bộ, công chức liên quan…
Không ‘chống lưng' cho buôn lậu, gian lận thương mại
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Văn phòng Thường trực.
“Coi trọng việc rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống và làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, không để các đối tượng buôn lậu móc nối, câu kết với cán bộ để làm chỗ ‘chống lưng’, chỗ dựa cho các đối tượng buôn lậu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Văn phòng Thường trực tham mưu cho BCĐ 389 quốc gia ban hành kế hoạch đấu tranh chống các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật; kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khu vực biên giới phía bắc; kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện ngay sau khi các kế hoạch được ban hành.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra tại Trung tâm Giám sát hải quan trực tuyến, Tổng cục Hải quan. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Văn phòng tham mưu cho BCĐ 389 quốc gia ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng và tổ chức triển khai thực hiện; đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 19/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; quy chế phối hợp giữa BCĐ 389 quốc gia và BCĐ các bộ, ngành, địa phương trong thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia cho biết, trong năm qua, Văn phòng Thường trực đã tham mưu cho BCĐ 389 quốc gia trực tiếp kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn trọng điểm như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, TPHCM, Quảng Ninh, Long An, Quảng Trị…
Văn phòng cũng đã tham mưu cho BCĐ 389 quốc gia ban hành và triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, công điện và văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đấu tranh đối với một số mặt hàng trọng điểm, địa bàn phức tạp, các vụ việc phức tạp, nội cộm mà dư luận quan tâm như thuốc lá, xì gà, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoáng sản…
Văn phòng đã chỉ đạo ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn lậu dưới hình thức quà biếu, hàng hoá xách tay qua đường hàng không, bưu điện tại các cảng hàng không quốc tế như vụ buôn lậu 1.157 điện thoại Iphone tại sân bay Nội Bài, vụ 5 container hàng hoá nhập lậu tại ga Yên Viên, vụ vi phạm nhãn mác hàng sữa bột dành cho trẻ em tại Công ty Vinanusoy, vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Con Cưng, vụ sản xuất xăng kém chất lượng tại một số tỉnh, thành phố…
Lê Sơn