|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh giảm biên chế giáo viên không được thực hiện máy móc, cơ học. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Cụ thể, để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% biên chế vào năm 2021 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, nhiều địa phương đã thực hiện giảm biên chế giáo viên, dẫn đến nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, hoặc nhiều nơi thiếu giáo viên đứng lớp nhưng biên chế thì không được tăng thêm. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng việc xử lý vấn đề biên chế giáo viên cần xem xét cả vấn đề trước mắt lẫn định hướng dài hạn.
Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ rõ Nghị quyết 19 của Trung ương không yêu cầu cắt giảm biên chế máy móc, cơ học.
“Nghị quyết nêu rõ từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Điều đó có nghĩa nếu có những đơn vị sự nghiệp trong ngành giáo dục tự chủ được về lương thì sẽ không tính trong biên chế theo nghĩa truyền thống. Thứ hai, việc giảm biên chế tập trung trước hết vào những vị trí gián tiếp còn phải đủ giáo viên để dạy. Việc sắp xếp lại các trường là trên cơ sở điều kiện của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình, bảo đảm phấn đấu các cháu học 2 buổi/ngày, sĩ số học sinh trong 1 lớp không đông hơn mức cần thiết để bảo đảm chất lượng. Giáo viên môn nào dạy môn đấy, cấp nào dạy cấp đấy”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc sắp xếp, điều chuyển giáo viên ở những nơi thừa “không chỉ ngày một, ngày hai”, nhưng nơi thiếu vẫn phải ưu tiên tuyển.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tự chủ đại học, cũng như đổi mới quản lý giáo dục phổ thông để cho một số trường tự chủ, lo được lương giáo viên thì ngân sách sẽ không phải lo cho những biên chế này.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho biết lần đầu tiên sau hàng chục năm Bộ GD&ĐT đã nắm được số lượng giáo viên tại từng trường, trình độ, chuyên ngành đào tạo, việc phân công hiện nay. Đây là tiến bộ ban đầu tạo cơ sở xử lý căn bản vấn đề biên chế giáo viên phù hợp với tình hình thực tế.
Đơn cử trường hợp tổng biên chế giáo viên ở một tỉnh thì thừa nhưng có những huyện, xã vẫn thiếu trong khi không thể điều giáo viên phổ thông, tiểu học từ thành phố thuộc tỉnh về huyện dạy vì còn gia đình, nơi ăn, chốn ở. Chưa kể ngay trên một địa bàn thừa giáo viên môn này nhưng lại thiếu giáo viên môn kia.
Nắm được số lượng giáo viên còn là căn cứ để đặt hàng đào tạo sư phạm theo đúng nhu cầu thực tế về từng chuyên ngành, cấp học ở từng địa phương, thậm chí từng trường.
Trước những khó khăn cơ sở vật chất cho giáo dục, nhất là tại các đô thị lớn, Phó Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các địa phương cố gắng, ưu tiên nguồn lực đầu tư, xây dựng trường, lớp hướng tới bảo đảm đủ lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày, phân bố đều ở các khu dân cư.
Lưu ý về vấn đề nhà vệ sinh trong trường học, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các địa phương, các trường báo cáo thực sự về hiện trạng nhà vệ sinh trong trường, có hình ảnh cụ thể. Từ đó huy động nguồn lực từ chính quyền, cộng đồng, xã hội để cải tạo nhà vệ sinh; giáo dục thói quen cho các cháu học sinh sử dụng, gìn giữ nhà vệ sinh sạch sẽ.
Đình Nam