Khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển logistics sau dịch COVID-19 

(ĐCSVN) - Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức ngày 14/12, tại Hà Nội.

Năm 2021 là năm kinh tế - xã hội Việt Nam chịu tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, với những đợt giãn cách xã hội và gián đoạn sản xuất, lưu thông kéo dài. Bối cảnh đó đặt ngành dịch vụ logistics vào thế vừa bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, vừa phải thể hiện sức chống chịu bền bỉ để duy trì hoạt động của các chuỗi cung ứng trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa.

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển; ban hành nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị, kế hoạch và văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

"Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh" - Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

 Phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021.

Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ số doanh nghiệp lĩnh vực vận, tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.

Cũng trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời có 571 số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.

“Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Từ góc độ thực tiễn, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng đánh giá, khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp logistics đang gặp phải đó là đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục (business continuity) và sự tăng phi mã của cước vận tải biển cũng như sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới. Vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch như 5K hay thực hiện 3 tại chỗ…

"Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam hiện có hơn 10 loại phí phải chịu đối với một container hàng xuất như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng; vấn đề tỷ giá áp tùy tiện cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp" - ông Lê Quang Trung nói.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2020 và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 11/2020, hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng container, với mức tăng từ 2-10 lần (tùy theo chặng). Cùng với những bất cập về giá cước, phụ phí hãng tàu nước ngoài đang thu cũng trở thành gánh nặng đối với chủ hàng Việt Nam.

Chia sẻ câu chuyện về ngành dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - cho hay, giống với các ngành nghề khác như da giày, nhựa, đồ gỗ... nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam vẫn phải phụ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào từ việc nhập khẩu nước ngoài. Tỷ trọng này là khá lớn, cho thấy sự bị động cũng như phụ thuộc không nhỏ vào nguồn cung từ các nước trên thế giới. Đây cũng chính là một trong những “rủi ro” lớn tiềm tàng của ngành khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18 tỷ USD tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020. Các nguyên phụ liệu nhập khẩu chính gồm: bông, xơ sợi, vải, phụ liệu… Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA... yêu cầu quy tắc xuất xứ cho sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước trong khối FTA thì mới được hưởng ưu đãi thuế. Nhưng thực tế, ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu một lượng không nhỏ nguyên phụ liệu từ các nguồn ngoài FTA.

Trước thực tế này, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 kiến nghị Chính phủ cần hoạch định chiến lược phát triển lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may để tạo chuỗi giá trị khép kín và đồng bộ, đảm bảo nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, cần định vị lại để thế giới biết đến dệt may Việt Nam không chỉ là ngành có lao động giá rẻ, sản xuất hàng loạt, mà bao gồm những doanh nghiệp có giá trị gia tăng, có trách nhiệm xã hội…

Mặt khác, định hình các hướng đi mới, mang tính bứt phá hơn cho ngành logistics Việt Nam, góp phần giải tỏa áp lực trong thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Làm thế nào để xây dựng doanh nghiệp mạnh về logistics? Chía sẻ tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định, xây dựng doanh nghiệp mạnh về logistics là một nhiệm vụ đã được đặt ra trong Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg.

“Từ góc độ thực tế, chúng ta thấy rằng bất kỳ ngành nào cũng cần doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp đầu đàn, dù đó là ngành viễn thông, công nghiệp điện tử, ngành dệt may, da giày và ngành logistics cũng như vậy” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại hội thảo các chuyên gia cũng cho rằng, để góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PLvà 4PL, dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới...Trong đó, phát triển nhân lực logistics là vấn đề then chốt cần được chú trọng./.

 
Tin, ảnh: Kim Dung
266 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1140
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1140
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219338