Khởi nghiệp và khát vọng 

(Chinhphu.vn) – Không chỉ thắp lửa, thôi thúc đam mê khởi nghiệp sáng tạo, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ không ngừng hành động để chắp cánh cho những ước mơ khởi nghiệp, nuôi dưỡng các startup kỳ lân…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cách đây 4 năm, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Vào tháng 10/2016, đến nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021 và dự Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng đã “trải lòng”: Ngay khi đảm nhiệm Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nói rõ quyết tâm của mình là phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Với cá nhân tôi, không có gì ý nghĩa hơn, quan trọng hơn là được trao đổi, nói chuyện một cách thẳng thắn với các thế hệ tài năng, tuổi trẻ của đất nước, tạo cho các bạn những cơ hội, những điều kiện thuận lợi để cống hiến, để phát huy hết khả năng của mình. Vì các bạn không chỉ là tiềm năng, là tương lai mà còn là động lực quyết định đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Với tinh thần đó, thời gian qua, dù bận bịu đến mấy, lãnh đạo Chính phủ luôn dành thời gian tham gia các sự kiện, các cuộc gặp gỡ, tọa đàm, đối thoại với thanh niên để “thắp lửa” đam mê khởi nghiệp cho giới trẻ, nhất là là khởi nghiệp ở thanh niên nông thôn.

Trong tất cả các cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố, trong các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hối thúc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Đặc biệt ấn tượng là khi Thủ tướng kêu gọi Bộ Công Thương hãy làm việc với tinh thần "Bộ Khởi nghiệp". Đây là những thông điệp được nhiều người đánh giá là rất đúng, rất trúng, rất hợp thời của Thủ tướng, bởi chỉ qua khởi nghiệp chúng ta mới nhanh chóng có được một thế hệ doanh nhân mới, hình thành làn sóng đầu tư mới. Chỉ có khởi nghiệp, chúng ta mới khơi gọi hết trí tuệ, chất xám của con người Việt Nam.

Cũng trong năm 2016, Thủ tướng đã ký Quyết định 844/QĐ-TTg hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025. Sự lan tỏa, tác động từ Đề án 844 ngày càng rõ nét và cộng hưởng, gắn với việc ra mắt Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam).

Năm 2018, trong khuôn khổ Techfest, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với thanh niên, thôi thúc phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ Việt Nam. So với thời điểm khi Thủ tướng dự lễ khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp” (năm 2016) thì đến năm 2018 có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Lúc đó, trên công cụ tìm kiếm Google có hàng triệu tin bài liên quan đến các từ khóa “khởi nghiệp”, “sáng tạo” khi mà mấy năm trước đó, từ khóa này vẫn còn ít thịnh hành ở Việt Nam.

Thủ tướng chia sẻ, “cũng như các bạn, ai cũng có khát vọng và mơ ước, mong muốn được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc chúng ta về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc. Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Ngày Quốc khánh, mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, với thu nhập người dân đạt hơn 18.000 USD. Tôi tin tưởng rằng làn sóng khởi nghiệp hiện nay sẽ hình thành nên lớp thế hệ doanh nhân đầy tự hào của Việt Nam chúng ta. Không món quà nào có ý nghĩa hơn món quà này cho năm 2045”. “Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, tôi tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước”.

Trong những câu chuyện thành công về khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác, Thủ tướng nhận thấy có một số điểm chung để khởi nghiệp thành công: Đó là đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm và nhất là không sợ thất bại. Không có đam mê và khát vọng thì không thể “dốc hết trái tim, trí tuệ và nhiệt huyết của mình” cho mục tiêu hướng đến. Không dám nghĩ, dám làm thì không thể  đi đến cùng với thách thức. Điều đó cũng có nghĩa là có tầm nhìn mà không có hành động cụ thể. “Thất bại là mẹ thành công. Nếu sợ thất bại thì chắc chắn bạn sẽ không thể thành công”. Dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận thất bại để thành công là tinh thần để mạnh dạn khởi nghiệp sáng tạo.

Về phần mình, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, Chính phủ cũng nên tự hỏi mình tại sao có nhiều người Việt Nam phải ra nước ngoài khởi nghiệp, đặc biệt là Singapore. Phải nhìn nhận thực tế để chúng ta học tập họ, nhìn sang những gì họ đang làm tốt để chúng ta làm theo nhưng không hoàn toàn theo sau họ. Chúng ta hãy tự tin rằng, mình có thể làm tốt hơn Singapore ở nhiều tiêu chí.

Với tinh thần thẳng thắn, quyết tâm mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng của Chính phủ, đến nay, ước mơ khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng bay cao. Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm nuôi dưỡng các startup tiềm năng tại Việt Nam. Nhiều chính sách đã được các bộ, ngành tiếp thu và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó là hàng loạt các chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia nhằm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp. Năm 2019 được đánh giá là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

Thủ tướng và đại diện các ban, bộ, ngành đối thoại gỡ khó cho các thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã mang khát vọng về khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ra các diễn đàn quốc tế khi tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 (WEF Davos 2019), tại Thụy Sĩ.

Thủ tướng đến Hội nghị WEF Davos lần đó với thông điệp hết sức mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trở thành một “Quốc gia đổi mới sáng tạo”, là những hành khách đi đầu trên con tàu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và Toàn cầu hoá 4.0. Thông điệp của Thủ tướng nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của các bạn bè, đối tác. Chính trên tinh thần đó, Thủ tướng đã cùng với lãnh đạo các nước, các nhà quản trị, nghiên cứu hàng đầu và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn thảo luận chia sẻ ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0.

Đặc biệt, tại Hội nghị này, Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam và kết nối Trung tâm này với các Trung tâm CMCN 4.0 của WEF trên thế giới. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng các khung chính sách cho các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ CMCN 4.0. Việt Nam là nước đầu tiên ký Thỏa thuận này với WEF.

Năm 2019 cũng có dấu ấn quan trọng trong chặng đường “chắp cánh khởi nghiệp” là việc Thủ tướng ký quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trung tâm được bố trí cơ sở hoạt động tại Hoà Lạc, dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2, sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ. Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng các Mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.

Trên bảng xếp hạng các thương hiệu khởi nghiệp toàn cầu có hàng nghìn cái tên đến từ Việt Nam như CốcCốc, VNTrip, HelloBacsi, v.v… Hiện nay, Việt Nam có hai doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (định giá hơn 1 tỷ USD) là Công ty Cổ phần VNG (Vinagame), VNPay và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá hơn 100 triệu USD. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn trọng yếu để phát triển.

Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia vừa diễn ra cuối tháng trước, đối thoại với thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng đã chia sẻ, cách đây 2 năm khi đến dự khai mạc sự kiện này, ông đã thử gõ từ khóa “khởi nghiệp” trên công cụ tìm kiếm Google thì hiện ra 13,4 triệu bài viết có liên quan. “Hôm nay tôi thử gõ lại từ khóa "khởi nghiệp" thì chỉ trong 0,54 giây đã có hơn 20,7 triệu kết quả được tìm thấy. Điều này cho thấy không khí của tinh thần khởi nghiệp của chúng ta đang lan tỏa mạnh mẽ trên mọi miền tổ quốc, từ giới trẻ cho đến người lớn tuổi, bất kể dân tộc, tôn giáo. Khởi nghiệp là không có ranh giới và giới hạn”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có  được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay." Vậy cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam ta trong tương lai sẽ thế nào? Việt Nam có hiện thực hóa được Khát vọng hùng cường 2045 hay không? Thủ tướng cho rằng, chính thế hệ trẻ hôm nay sẽ phải trả lời câu hỏi đó bằng chính hành động. Khởi nghiệp sẽ là một con đường biến ước mơ của bản thân thành hiện thực, đồng thời góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc.

Việt Nam sẽ có thêm nhiều người trẻ tuổi góp phần làm thay đổi thế giới, đưa Việt Nam ra biển lớn, để nước ta giàu mạnh, không thua kém bất cứ dân tộc nào, đưa truyền thuyết Thánh Gióng trong thời đại 4.0 thành hiện thực, Thủ tướng kỳ vọng.

Đức Tuân

285 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1092
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1092
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162414