Khởi nghiệp: ‘Gặp thời một tốt cũng thành công’ 

(Chinhphu.vn) - “Thời” với doanh nghiệp ngày nay còn là sự liên kết, hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu, là khả năng thông thạo văn hóa kinh doanh quốc tế, là lợi thế khi sớm có mặt trên sàn chứng khoán, là những bước đi vững chắc khi xây dựng thương hiệu bài bản từ đầu gắn với các nền tảng công nghệ số…

 

Môi trường cởi mở và thuận lợi

Để đi đến thành công, một doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp cần tới hàng trăm yếu tố tổng hòa cùng tác động. Đó không chỉ là hiểu biết của người làm ăn về thời thế kinh doanh, về lĩnh vực buôn bán, về nhu cầu thị trường mà còn là cả tiến trình phát triển của hành lang pháp lý và điều kiện địa chính trị (sự tương tác và hội nhập với các đối tác quốc tế…) đi cùng.

Thực vậy, bối cảnh Việt Nam ngày nay mang tới rất nhiều thuận lợi cho startups khi tạo ra vô số “sân chơi” cho người mới gia nhập thị trường. Không nhiều nền kinh tế trên thế giới chỉ sau vài thập kỷ hội nhập đã có tới 16 hiệp định thương mại tự do, là thành viên của WTO. Cùng với đó là hàng loạt đối tác thương mại lớn nhất thế giới từ Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Á, Liên minh Kinh tế Á-Âu, khu vực ASEAN…

Để cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã có những quyết sách quan trọng để thúc đẩy startup như: Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quyết định số 844/QĐ-TTg hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2025 với mục tiêu hỗ trợ 2.000 dự án startup, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), Nghị định 38/2018/ NĐ-CP quy định về đầu tư cho SME khởi nghiệp sáng tạo....

Các quỹ đầu tư và hoạt động cổ vũ cho startups nở rộ khắp các địa phương, trường đại học, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tư nhân, tổ chức phi chính phủ.

Cùng với 40 quỹ đầu tư mạo hiểm và nhiều nhà đầu tư thiên thần như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Ventures, 500 Startups…, chỉ riêng 2 năm 2016-2017, hàng loạt quỹ đầu tư mới đã ra đời. Có thể kể đến những cái tên như: Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Ventures, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). Theo Topica Founder Institute, năm 2007 đã có 92 Startup Việt (gần gấp đôi năm 2016) được rót vốn tổng cộng trên 290 triệu USD.

Bắt nhịp thị trường và công nghệ: Startup Việt vẫn “đuối”

Những chỉ báo tích cực về khởi nghiệp đã góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 11 trên tổng số 60 quốc gia có mặt trong Báo cáo Chỉ số kinh doanh toàn cầu 2015-2016.

Tuy nhiên, điều kém vui là Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) 2015-2016 lại cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hầu như không thay đổi so với năm 2014. Ngoài 3 tiêu chí gồm cơ sở hạ tầng, sự năng động của thị trường nội địa và văn hóa, chuẩn mực xã hội được đánh giá cao, rất nhiều chỉ số khác của Việt Nam bị xếp dưới mức điểm trung bình. Trong đó có chỉ số tài chính cho kinh doanh và chỉ số giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông.

Trong một báo cáo độc lập khác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số đổi mới ở các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam cũng thuộc loại thấp (xếp thứ 50/60 các nền kinh tế), với chỉ 4,8% sản phẩm được xem là mới, 4,4% là công nghệ mới, 2,2% là thị trường mới. Thậm chí, khi đã bước vào giai đoạn kinh doanh ổn định, 3 yếu tố chính là sản phẩm, thị trường và công nghệ của startups Việt lại tiếp tục “tụt hậu” nhiều hơn, chỉ còn chiếm 0,5 đến 2,8%.

Tâm đắc với đúc kết của tiền nhân “gặp thời một tốt cũng thành công”, ông Đặng Đức Thành, Tổng Giám đốc Học viện Khởi nghiệp thành công cho rằng đây cũng chính là “thần chú” giúp khắc chế những thách thức của người khởi nghiệp. “DN phải hiểu rõ chữ ‘thời’ trong kinh doanh ngày nay hơn lúc nào hết, tức không chỉ nắm bắt nhu cầu của hiện tại mà còn có thể ‘đọc vị’ thị trường tương lai trong hàng chục năm tiếp theo”. Ví như đã tới lúc cho xu hướng “ăn ngon, mặc đẹp” thay vì chỉ “ăn no, mặc ấm”, hay đã tới lúc xã hội xem trọng hơn những giá trị về du lịch, sức khỏe, sắc đẹp... Hoặc đã tới thời “lên ngôi” của bất động sản bình dân, của đất nền thay cho những căn hộ cao cấp luôn trong tình trạng tiêu thụ khó khăn...

Và điểm sống còn - với DN nói chung, các Startup nói riêng - là xác định chỗ đứng và cách thích nghi với các đổi thay xã hội và công nghệ do những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến, “khi bạn kinh doanh ngành ‘thời’ thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi; từ việc huy động vốn đến tiếp thị bán hàng; và giá cả cũng sẽ liên tục tăng do nhu cầu ngày càng lớn trong khi lượng cung còn thiếu hụt”, ông Đặng Đức Thành nhấn mạnh.

Nhìn rộng hơn, vị doanh nhân lão luyện này còn tin rằng, “thời” với DN ngày nay còn là sự liên kết, hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu, là khả năng thông thạo văn hóa kinh doanh quốc tế, là lợi thế khi sớm có mặt trên sàn chứng khoán, là những bước đi vững chắc khi xây dựng thương hiệu bài bản từ đầu gắn với các nền tảng công nghệ số…

Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng

Theo ông Hàng Nhật Quang, Giám đốc Học viện Khởi nghiệp thành công chi nhánh TPHCM, sai lầm phổ biến của Các Startup chủ yếu là hoạch định chiến lược kinh doanh sơ sài, thiếu nghiên cứu đầy đủ về thị trường, đối thủ; thiếu khảo sát định lượng để ước đoán nhu cầu xã hội đối với sản phẩm; không rõ năng lực thực tế của DN, quá tham vọng phát triển nhanh thành tập đoàn lớn mà ôm đồm nhiều ngành nghề...

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương thì cho rằng đồng hành cùng Startup buổi ban đầu không thể thiếu các trung gian tài chính. Thế nhưng rất nhiều Startup hiện vẫn khá “lơ mơ” về báo cáo tài chính cơ bản, các phụ lục chi tiết mà nhà đầu tư quan tâm, thiếu cả hiểu biết về ngân hàng, các tổ chức tài chính cũng như cách thức vận hành của các công cụ vốn.

Người xưa cũng từng nói “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. “Người” và “ta” ngày nay còn có một thành tố kiến tạo quan trọng khác là Chính phủ. Với vai trò của mình, sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho Startup đã không còn đơn thuần là kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thậm chí hỗ trợ cả tài chính (ưu đãi vốn vay, thuế, tiền thuê đất…), kỹ thuật, thị trường, vườn ươm. Ngày nay, nhà đầu tư còn đòi hỏi nhiều hơn ở Chính phủ về một khung pháp lý “thông thoáng” để có thể rút lui - chốt lãi đúng lúc, về những điều kiện thuận lợi trong quá trình cho vay - thu hồi vốn (khả năng thu thập thông tin về bên đi vay, các quy định về quyền pháp lý của người vay và người cho vay, hạ tầng và mức độ phủ sóng của thông tin tín dụng...) hay các cải cách theo thông lệ quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Phương Hiền

647 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1147
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1147
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143798