Khoa học – công nghệ Quảng Trị: Nhiều đổi mới sau Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI  

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 20-NQ/TW), các cấp ủy Đảng, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trên đìa bàn tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị triển khai, học tập một cách nghiêm túc, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức về vai trò, vị trí, sự cần thiết phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong cán bộ, đảng viên, doanh nhân và Nhân dân được nâng lên.

Để nội dung của Nghị quyết 20-NQ/TW được triển khai sâu rộng trong toàn đảng bộ, Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động số 64-CTHĐ/TU, ngày 13/05/2013 thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012, của Ban Chấp hành Trung ương “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND, ngày 25/7/2014, về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1583/QĐ-UBND, ngày 03/9/2013, về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 64-CTHĐ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 2442/QĐ-UBND, ngày 06/12/2013 về Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020; Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND, ngày 25/10/2013 về Quy định quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 1919/QĐ-UBND, ngày 11/9/2014, về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 569/QĐ-UBND, ngày 20/11/2015 về việc ban hành Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển các ngành công nghiệp và thương mại tỉnh Quảng Trị đến năm 2020... và nhiều văn bản chỉ đạo khác.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, tư duy về phát triển khoa học – công nghệ của các cấp, các ngành ngày càng được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ được tăng cường. Cùng với việc kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bổ sung nhiều nội dung về phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng tình hình và nhiệm vụ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, đối với lĩnh vực KH&CN, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm; đó là: (1) Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ; (2) đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; (3) phát triển thị trường công nghệ, cơ cấu lại các nhiệm vụ khoa học - công nghệ; (4) rà soát các dữ liệu điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (5) nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ; (6) biên soạn Địa chí tỉnh Quảng Trị và (7) nghiên cứu xây dựng các khu công nghệ, kỹ thuật cao theo mô hình thích hợp. Đồng thời, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động KH&CN; kiên quyết đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả đầu tư KH&CN, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ KH&CN để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH.

Để đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, tỉnh Quảng Trị đã tập trung đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, với các nội dung chủ yếu: Quy định cụ thể mức xây dựng, phân bổ quyết toán và dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Với tinh thần đó, hàng năm, tỉnh đã thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu công khai minh bạch các nhiệm vụ KH&CN. Đối với, các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước, tỉnh đã tiến hành khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng theo kết quả; đồng thời, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm KH&CN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện đổi mới phương thức cấp kinh phí từ việc phân bổ theo đầu biên chế sang theo nhiệm vụ thường xuyên. Nhờ vậy, đã giúp cho các đơn vị vừa tháo gỡ vướng mắc về tài chính, vừa phát huy năng lực nội sinh, tạo ra một số sản phẩm khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu xã hội và thị trường; đồng thời, giúp cơ quan quản lý sàng lọc, đánh giá được năng lực thực sự của các tổ chức KH&CN công lập để có giải pháp đầu tư, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, hiệu quả.

Việc triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ được chú trọng, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đạt kết quả tích cực. Các kết quả điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong 5 năm qua đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho việc xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có việc nghiên cứu, xây dựng luận cứ khoa học đối với: Các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhằm định hướng phát triển bền vững các điểm dân cư miền núi của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản và nước dưới đất để quy hoạch khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; hình thành bản đồ phân vùng cấu trúc nền và dự báo nguy cơ tiềm ẩn về ngập nước, xói lở, xâm nhập mặn đồng bằng ven biển và vùng đồi kế cận phục vụ quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp; các dạng công trình và phân bố khu dân cư; nghiên cứu, điều tra đánh giá nguồn nguyên liệu khoáng để sử dụng làm các sản phẩm mỹ nghệ, trang trí, trang lát và khả năng khai thác, sử dụng góp phần phát triển kinh tế địa phương...

Phát triển khoa học – công nghệ cũng góp phần cung cấp các luận cứ khoa học trong việc xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI; hoạch định chủ trương, chính sách của tỉnh như: thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cho một số ngành kinh tế - xã hội; dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực… Việc bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hóa; biên soạn địa chí tỉnh Quảng Trị; cung cấp các luận cứ khoa học lịch sử xác định vị trí thủ phủ 3 địa danh: Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh và khoanh vùng bảo vệ phục vụ quy hoạch các di tích lịch sử văn hóa thời Chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong; di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Trị… cũng đã được chú trọng, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho toàn dân nhất là thế hệ trẻ.

Khoa học kỹ thuật và công nghệ trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; trồng và chế biến dược liệu; cải tiến công tác quản lý y tế. Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng... được ứng dụng và ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, quản lý; đã nghiên cứu xây dựng mô hình chiếu sáng đường phố có hiệu quả năng lượng cao phù hợp với điều kiện hạ tầng cơ sở, đặc điểm dân cư của tỉnh; nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát, đánh giá chất lượng công việc và thời gian làm việc của công chức Nhà nước tỉnh Quảng Trị...

Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ trong các ngành mũi nhọn của tỉnh; chú ý các công trình công nghiệp mới, lựa chọn công nghệ hiện đại; ưu tiên ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, xử lý môi trường ở khu kinh tế, các khu công nghiệp của tỉnh; áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong các lĩnh vực chế biến nông sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; ứng dụng máy, thiết bị điều khiển vào những khâu, công đoạn sản xuất cần độ chính xác cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo chuyển biến tích cực làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bộ mặt nông thôn. Đặc biệt, đã nghiên cứu thực nghiệm, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, phù hợp và thích nghi với điều kiện sinh thái của từng vùng; hình thành cơ cấu cây trồng đa dạng với công thức bố trí cây trồng xen canh, gối vụ có tính khoa học và thực tiễn cao; tăng hệ số sử dụng đất, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường, thay đổi được tập quán sản xuất manh mún, quảng canh của một bộ phận dân cư trên địa bàn; đồng thời tuyển chọn một số cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây trồng rừng làm cây đầu dòng để lấy mắt ghép; nghiên cứu, thử nghiệm thành công phương pháp ghép chồi cho các loại cây như: cà phê, điều, bưởi, hồng, xoài, keo lai, bạch đàn và phi lao Trung Quốc... Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã mang lại hiệu quả cao như: mô hình trồng cỏ nuôi bò lai Sind; cây Thanh Long ruột đỏ, trồng ném, rau màu trái vụ, sản xuất giống lúa mới trên nền phân bón sinh học Bồ Đề 688; keo lưỡi liềm, chăn nuôi tôm giống của Công ty giống Thủy sản UniPresident Việt Nam và chăn nuôi lợn có quy mô từ 700 con trở lên.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai một số dự án, như: Xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH&CN về nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Trị; mô hình sản xuất chế phẩm sinh học và ứng dụng để xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn than bùn sẵn có tại địa phương ở quy mô công nghiệp phục vụ phát triển cây cao su vùng gò đồi, vùng núi; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp; mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng vụ Thu - Đông trên vùng đất cát ven biển; ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê; xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ tỏi đen; mô hình phát triển chăn nuôi gà ri lai vàng rơm an toàn sinh học... Có thể nói, các mô hình, dự án trên đã mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn nhân lực về KH&CN của tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2016, cán bộ trực tiếp làm công tác khoa học trên địa bàn tỉnh có 1.750 người; trong đó: Tiến sĩ 34 người, thạc sỹ 199 người, đại học 937 người… Nhìn chung, đội ngũ cán bộ KH&CN của tỉnh đã có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển KH&CN và gắn kết nghiên cứu với sản xuất và đời sống. Toàn tỉnh hiện có 89 tổ chức doanh nghiệp, 29 phòng thí nghiệm, 1 Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn nhưng đầu tư cho KH&CN năm sau cao hơn năm trước và vẫn tăng 3 lần so với trước khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (năm 2012). Cùng với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động KH&CN tỉnh từng bước được tăng cường. Hệ thống thông tin điện tử về KH&CN, hệ thống chuẩn và trang thiết bị đo lường thử nghiệm, phòng thí nghiệm... ngày càng đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đã kết nối mạng cục bộ với Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về KH&CN; các trang thông tin điện tử... một số phòng thí nghiệm, phương tiện kiểm định chất lượng...  Cùng với đó, tiềm lực KH&CN của các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các đơn vị sự nghiệp KH&CN hoặc có hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật; khuyến công, khuyến nông, lâm, ngư…đã được quan tâm đầu tư. Nhờ vậy, đã nâng cao nâng lực, trình độ nhiều mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặc dù, có nhiều cố gắng nhưng thị trường KH&CN Quảng Trị chưa phát triển do thiếu các tổ chức môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ để hỗ trợ hoạt động mua, bán công nghệ trên thị trường. Hiện tại KH&CN Quảng Trị còn thiếu nhiều yếu tố cấu thành nền khoa học và công nghệ hiện đại như: Những ngành công nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp KH&CN, các Viện, Trung tâm nghiên cứu và trường đại học, những mối liên kết KH&CN, hệ thống môi giới và tư vấn KH&CN…Dẫu vậy, hàng năm, Sở KH&CN cùng với các doanh nghiệp cũng đã tham gia các kỳ Techmart nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ, thiết bị mới và sẵn sàng chuyển giao phù hợp với nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Trong những năm qua, Quảng Trị đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các bộ, ngành, các cơ quan khoa học Trung ương để nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của địa phương; tham gia các hoạt động về hợp tác quốc tế do Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối và các diễn đàn khoa học, công nghệ và môi trường các nước ASEAN. Đồng thời, đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ của các ngành, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đi tham quan, khảo sát và học tập về KH&CN ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Hà Lan… Tỉnh đã xúc tiến liên kết chặt chẽ với tỉnh savannakhet và Salavan của Nước CHDCND Lào về những vấn đề KH&CN mà hai bên cùng quan tâm như: Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường khu vực biên giới quốc gia thuộc địa phận hai tỉnh; chuyển giao công nghệ sản xuất một số giống cây trồng vật nuôi, sản xuất và nuôi trồng nấm, trang thiết bị đo lường… được các tỉnh bạn đánh giá cao. Phối hợp với tổ chức phát triển công nghiệp, công nghệ và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO), Công ty Stanley Electric khảo sát, thử nghiệm việc ứng dụng đèn LED cho các tàu đánh bắt xa bờ tỉnh Quảng Trị, mặc dù mới thử nghiệm nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân, góp phần tiết kiệm nhiên liệu (khoảng 70% chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi biển), bảo vệ môi trường biển.

Có thể thấy rằng, sau 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, tiềm lực, trình độ KH&CN của tỉnh được nâng lên, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Công tác quản lý KHCN được đổi mới theo hướng coi trọng, hiệu quả. Hợp tác quốc tế về KH&CN được mở rộng. Xã hội hoá hoạt động khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, đã khuyến khích mở rộng các dự án KH&CN có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp và người dân; góp phần quan trọng để tỉnh từng bước thực hiện mục tiêu “Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020”. T.Trang

1021 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 819
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 819
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87036452