Khó khăn chồng chất với các doanh nghiệp du lịch  

(ĐCSVN) - Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp hồi phục sau 3 tháng đóng băng vì COVID-19, nay lại tiếp tục bị tác động bởi dịch bệnh, khiến các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh “khó chồng lên khó”.

Lo giữ nguồn nhân lực chất lượng cao

Dịch COVID-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và một số địa phương đã tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế, trong đó ngành Du lịch được xem là thiệt hại nặng nhất. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến hết tháng 8/2020 tỷ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98% - 100% ở hầu hết các địa phương; trong đó Hà Nội hủy 32.000 tour, thành phố Hồ Chí Minh hủy 35.000 tour, các doanh nghiệp lớn, nhiều đoàn khách đông cũng hủy, gây ra thiệt hại lớn với doanh nghiệp. Không chỉ đối mặt với những thiệt hại nặng nề về kinh tế, các doanh nghiệp du lịch hiện nay còn đối mặt với việc giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi trong bối cảnh nhiều người lao động ngành Du lịch bị mất việc làm, nhiều lao động chất lượng cao của ngành du lịch đã đi sang ngành khác.

Số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Quốc tế cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, con số này chưa kể đến số lượng lao động làm những mảng có liên quan đến du lịch. Trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, rất có thể doanh nghiệp Ngành du lịch sẽ đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực khi chi phí tuyển dụng và đào tạo cao khiến việc quay lại thị trường càng khó khăn hơn.

Không chỉ đối mặt với những thiệt hại về kinh tế, các doanh nghiệp du lịch hiện nay còn đối mặt với việc giữ nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: HL) 

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết, hiện nay rất nhiều hướng dẫn viên, người làm trong ngành Du lịch có tay nghề, kinh nghiệm nhiều năm nhưng do công ty cắt giảm nhân sự, tạm ngừng hoạt động đã phải chuyển nghề, chạy xe công nghệ, bán hàng online… Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng lo ngại hàng loạt lao động du lịch phải nghỉ việc như hiện tại không chỉ tác động đến khả năng quay lại thị trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ phục hồi của điểm đến. “Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành Du lịch khôi phục lại, công cuộc cạnh tranh để thu hút khách sẽ hết sức căng thẳng, nếu không đủ nguồn nhân lực chất lượng thì ngành Du lịch  sẽ khó có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng” - bà Huỳnh Phan Phương Hoàng bày tỏ.

Trong hai đợt dịch liên tiếp, dù chưa phải cho nhân viên nghỉ việc không lương, nhưng ông Trịnh Minh Tú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco) cũng lo lắng cho đội ngũ nguồn nhân lực du lịch của công ty. Theo ông Tú, hiện tại, công ty cố gắng hỗ trợ tối đa cho người lao động, mức lương có thể không bằng trước nhưng vẫn đảm bảo có thu nhập. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, thì việc quay trở lại với nghề sẽ khó khăn hơn rất nhiều. “Trên thực tế, nhiều công ty du lịch có chỗ đứng trên thị trường nhiều năm liền, những hướng dẫn viên, người làm trong ngành du lịch có tay nghề, có kinh nghiệm lâu năm nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã phải chuyển sang nghề khác” – Ông Trịnh Minh Tú chia sẻ.

Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên – Giám đốc kinh doanh Vietpromotion Groups, Phó chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa cho biết, các doanh nghiệp lữ hành đa phần là doanh nghiệp nhỏ, nguồn tài chính có hạn. Những đợt dịch đã khiến các doanh nghiệp lữ hành gần như kiệt quệ. Hiện nay, 2/3 nhân sự của Công ty Vietpromotion Groups đã phải cho nghỉ việc tạm thời, 1/3 số còn lại thì đi làm luân phiên. Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên mong muốn có gói hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, tạo điều kiện cho phép doanh nghiệp vay vốn duy trì hoạt động, đồng thời các doanh nghiêp được hưởng chính sách ưu đãi nhằm giữ chân người lao động có tay nghề cao để khi dịch được kiểm soát tốt, ngành du lịch sẽ có đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Xây dựng khung pháp lý để bớt áp lực cho doanh nghiệp

Ông Lại Duy Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch TST Tourist chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không chỉ các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành bị ảnh hưởng, sự sụt giảm nguồn du khách cũng khiến các dịch vụ đi kèm phục vụ ngành Du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp nhiều khó khăn. Chính bởi vậy, TST Tourist mong muốn được sự hỗ trợ giảm thuế và có gói hỗ trợ cho nguồn nhân lực hướng dẫn viên vì hiện nay 80 - 90% nguồn nhân lực này đang bị nghỉ làm bởi dịch bệnh. Hơn nữa, các hãng lữ hành rất khó khăn trong việc hoàn trả lại chi phí cho khách hàng, do vậy công ty cũng mong muốn các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ nên có gói dịch vụ giảm giá cụ thể để hỗ trợ khách hàng hủy tour để tạo sự khích lệ cho du khách tiếp tục đi du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nhằm tránh những thiệt hại nặng nề cho khách hàng và doanh nghiệp du lịch, ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Saigontourist cho rằng, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý để trong những trường hợp dịch bệnh có thể đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời tránh áp lực nặng nề cho doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đều thiệt hại, các địa phương đã có công văn để phối hợp hỗ trợ, tuy nhiên tình hình vẫn rất nan giải. “Hàng không cũng cần có chính sách linh hoạt hơn trong các trường hợp bất khả kháng, không nên áp dụng cứng nhắc các quy định gây khó cho doanh nghiệp lữ hành”, ông Võ Anh Tài cho hay.

Theo ông Tài, thời điểm này cần có các nhóm giải pháp, nhất là giải pháp tài chính đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra và triển khai thời gian qua, cần tiếp tục làm mạnh hơn trong lúc này vì thực sự rất cần thiết đối với các doanh nghiệp. “Hiện nay doanh nghiệp gần như không có nguồn thu nhưng chi phí cho người lao động vẫn phải đảm bảo. Nếu có sự hỗ trợ thì các hoạt động du lịch sẽ có sức mạnh để khởi động lại nhanh nhất có thể, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội khi có đủ điều kiện”, ông Võ Anh Tài cho biết.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, các doanh nghiệp hàng không cũng rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch, mặc dù đã được giảm một chút thuế tiêu dùng trong các chuyến bay nội địa, nhưng tình hình các doanh nghiệp hàng không vẫn rất cần được vay lãi suất thấp để vượt qua giai đoạn này.

Theo ông Cường, trong bối cảnh đại dịch, vấn đề quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin với khách hàng. “Phải khẳng định lòng tin với khách hàng, hiện nay nhiều thông tin không chính xác trên mạng xã hội cho rằng không đi tour phải đòi lại tiền, như vậy không ổn. Phải có cái nhìn xa hơn mới phát triển tốt, giống như hoạt động ngân hàng, hễ xuất hiện thông tin xấu khách hàng không cần biết đúng sai ùn ùn đi rút tiền là đổ vỡ hệ thống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có sự chia sẻ, nếu kích cầu trong khi địa phương cấm đường thì kích đến mấy cũng không có tác dụng”, ông Cường nhấn mạnh.

 

 
Huy Lê
356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 673
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 673
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77397663