Kho Bạc Nhà nước lần đầu thực hiện báo cáo tài chính nhà nước 

(ĐCSVN) - Năm 2019 là năm đầu tiên Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai lập cáo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2018. Đây được coi là khâu đột phá vì theo thống kê hiện nay trên toàn thế giới mới có 25 quốc gia có BCTCNN.

 

Đó là thông tin được ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề thông tin về kết quả công tác trọng tâm năm 2019 của hệ thống KBNN.

 Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P)

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, thực hiện Luật Kế toán 2015, trong năm 2019, KBNN tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ khung pháp lý và theo thẩm quyền KBNN ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn để tổ chức vận hành việc tổng hợp và lập BCTCNN năm đầu tiên (năm tài chính 2018) theo đúng quy định tại Luật Kế toán.

Hệ thống KBNN từ trung ương đến địa phương đã tích cực chuẩn bị, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp Báo cáo cung cấp thông tin tài chính. Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số trên 53 nghìn đơn vị thuộc đối tượng cung cấp thông tin tài chính năm 2018 cho KBNN trên phạm vi toàn quốc, các đơn vị ở cấp tỉnh, huyện đã hoàn thành việc gửi báo cáo cho KBNN. Toàn hệ thống KBNN đã tập trung cao độ cho công tác tổng hợp Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện, BCTCNN tỉnh đảm bảo hoàn thành để báo cáo UBND tỉnh, thành phố trình báo cáo HDND trình trong tháng 12/2019. 

Đối với các đơn vị thuộc khối trung ương, KBNN đang tích cực đôn đốc và phối hợp để đảm bảo việc tổng hợp, lập BCTCNN trên phạm vi toàn quốc, trình Bộ, trình Chính phủ trong tháng 3/2020, trình các cơ quan của Quốc hội cùng với Báo cáo quyết toán NSNN; báo cáo Quốc hội tháng 5/2020 theo đúng quy định.

Ông Lê Quang Vinh cho biết, BCTCNN năm 2018 bước đầu sẽ phán ánh được quy mô tài sản và các nguồn hình thành tài sản (lũy kế) của khu vực nhà nước. Trong đó, tài sản của khu vực nhà nước chủ yếu bao gồm: tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính của nhà nước (vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn), các khoản phải thu (từ thuế, từ việc sản xuất, cung cấp dịch vụ của các đơn vị nhà nước...); hàng hóa, vật tư, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tài sản cố định và vô hình đang được quản lý và theo dõi tại các đơn vị thuộc khu vực nhà nước. Tương ứng với các tài sản nêu trên, nguồn hình thành tài sản chủ yếu bao gồm nguồn vốn được tích lũy qua các năm và nguồn vay nợ.

Bên cạnh đó, BCTCNN năm 2018 còn phản ánh doanh thu và chi phí (bao gồm cả số phải thu và số phải chi phát sinh trong năm theo nguyên tắc dồn tích) và thặng dư/thâm hụt trong năm tài chính của nhà nước. Ngoài ra, BCTCNN năm 2018 còn phản ánh thông tin về luồng tiền các hoạt động của NSNN.

“Có thể nói, việc lập và công khai BCTCNN sẽ từng bước tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của nền tài chính nhà nước, phù hợp với các thông lệ và xu thế hội nhập quốc tế”, ông Vinh nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo tại buổi họp báo, ông Lê Văn Khoa, Phó Chánh văn phòng KBNN cho biết, trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, KBNN các tỉnh, thành phố đã bám sát dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách các cấp.

Tính đến ngày 15/12, luỹ kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng (bằng 100,21% so với dự toán năm 2019). Ước đến 31/12, tổng thu ngân sách đạt mục tiêu vượt 5% so với dự toán được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Đối với công tác kiểm soát chi, KBNN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao đối với các khoản chi của NSNN.

Tính đến ngày 15/12/2019, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 846.353 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện 21.985 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 79 tỷ đồng./.

 
 
Minh Phương
534 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 40
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 40
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87118744