Đã có 7 thủ tục hành chính mức 4 của Kho bạc Nhà nước được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (Ảnh:TL)

Theo Quyết định số 683/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 28/04/2020 về việc Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020, kế hoạch năm 2020, KBNN phải tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 6/9 DVCTT mức độ 4, đến nay KBNN đã hoàn thành 7/9 DVCTT mức độ 4, vượt 01 chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm 2020.

03 DVCTT mức độ 4 vừa được tích hợp thêm gồm: Dịch vụ công hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước, ứng với TTHC là thủ tục hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước; Dịch vụ công tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN, ứng với TTHC là thủ tục tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại Kho bạc Nhà nước; Dịch vụ công đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN, ứng với TTHC là thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN.

Trước đó, ngày 22/4/2020, KBNN đã hoàn thành tích hợp 04 DVCTT mức độ 4 ứng với 04 TTHC có tần suất giao dịch với khối lượng lớn trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, gồm: Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN; Thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; Thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN; Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp. Với 04 TTHC thuộc lĩnh vực KBNN trên, trung bình mỗi ngày, hệ thống DVCTT của KBNN tiếp nhận và xử lý khoảng gần 100.000 chứng từ và 50.000-60.000 hồ sơ.

Việc tích hợp và cung cấp các DVCTT thuộc lĩnh vực KBNN trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia không chỉ góp phần tăng tính minh bạch, cung cấp các thông tin liên quan về TTHC, dữ liệu, cũng như tiến độ giải quyết xử lý hồ sơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ... mà còn tăng khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách… Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc tích hợp thêm các DVCTT mức độ 4 góp phần ngăn chặn, đẩy lùi và phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả, đồng thời đáp ứng được các chủ trương, định hướng chiến lược, các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc hệ thống Chính phủ điện tử./.

 
M.P