Thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, thì ngay sau khi phạm tội, những kẻ phạm tội đã tính chuyện “dàn xếp” bồi thường cho gia đình nạn nhân để được êm chuyện. Có thể thấy, đó là những hành xử rất có tính toán, hoàn toàn không phải là hành xử của những người phạm tội vì thiếu hiểu biết hoặc nhất thời hồ đồ.
Người xưa có câu “đói ăn vụng túng làm liều” để giải thích cho phần nhiều những kẻ phạm tội, khi nguyên nhân của họ chủ yếu đến từ sự nghèo đói cả về vật chất lẫn sự thiếu thốn về tri thức, học vấn.
Nhưng những kẻ phạm tội trong trường hợp này lại ngược lại, họ ít nhiều đều được coi là "có địa vị" trong xã hội. Có lẽ đời sống vật chất của họ không hề thiếu thốn, song, sự thiếu vắng những giá trị tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, gia đình và với chính bản thân mình đã khiến họ coi thường pháp luật, coi thường đạo lý và sa vào lối sống đồi bại.
Thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng phạm tội cũng thuộc rất nhiều tầng lớp xã hội và đối tượng nào cũng đáng bị lên án. Thế nhưng, nếu người phạm tội là cán bộ, đảng viên thì càng không thể chấp nhận và càng phải bị lên án, xử lý nghiêm khắc hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và nhiều lần cảnh báo về sự tha hóa trong đạo đức, cách sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa của cán bộ chính là tham nhũng, cùng với đó sự tha hóa ở khía cạnh đạo đức và thực hành đạo lý.
Cùng với tệ tham nhũng, sự tha hóa của một bộ phận cán bộ đã làm suy giảm lòng tin của người dân. Vụ án ở Thái Bình một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người có lối sống buông thả, bệnh hoạn. Những vụ án như thế này cần xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội mới đảm bảo duy trì được niềm tin của nhân dân và làm cơ sở đấu tranh với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phòng chống sự tha hóa trong lối sống, suy thoái đạo đức. Để có những kết quả tích cực, những hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và nhất là xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm với những hành vi vi phạm. Người dân ủng hộ mạnh mẽ điều này, bởi không thể là một người cán bộ tốt khi sa vào lối sống trụy lạc. Sự tha hóa về nhân cách sẽ dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật, trái luân thường đạo lý, thậm chí gây tội ác cho xã hội như trong vụ án ở Thái Bình.
Quang Lê