Dư luận bàng hoàng trước thông tin các cán bộ của khoa Vi sinh Y học Bệnh viện Xanh Pôn trong một thời gian dài đã ăn bớt vật tư y tế bằng việc cắt đôi que thử nhanh HIV và viêm gan B. Theo những thông tin mới nhất, Công an Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc điều tra.
Thực tế đã chứng kiến không ít những vấn đề, vụ việc trong ngành y, như có những y bác sĩ đòi tiền lót tay, đòi phong bì trong quá trình điều trị, hay thái độ vô cảm hay hách dịch, thiếu trách nhiệm đối với bệnh nhân.
Tuy nhiên, có thể lý giải những vụ việc trên phần nào từ những nguyên nhân đến từ cơ chế: y bác sĩ phải làm việc quá tải, môi trường lao động nặng nhọc độc hại, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng...
Nhưng với vụ việc lần này, khó có lời bào chữa hay giải thích nào cho những hành động của các cán bộ ăn bớt vật tư y tế, nếu các thông tin là xác thực.
Để có thể thực hiện những hành vi ăn bớt đó họ đã có những tính toán rất kỹ càng, mặc dù hành động của họ lại rất thủ công, thô sơ chỉ dùng kéo cắt đôi que thử nhanh HIV và viêm gan.
Với giá thành đắt đỏ của vật tư y tế mà cụ thể ở đây là những que thử, với những đường kéo đơn giản, mỗi ngày họ có thể trục lợi nhiều triệu đồng.
Nhưng đằng sau đó là hậu quả khó có thể đo đếm hết.
Đến bệnh viện là điều không mong muốn của bất cứ ai. Bởi đằng sau đó là những chi phí kinh tế, thời gian những thiệt hại về tâm lý, sức khỏe và thậm chí là cả nguy cơ những căn bệnh hiểm nghèo mà bản thân họ và cả gia đình phải đối mặt. Bệnh tật luôn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân và kèm với đó là kinh phí thời gian điều trị.
Thực tế, hầu hết bệnh nhân gặp khó khăn về kinh tế và đương nhiên trong quá trình xét nghiệm chẩn đoán và kết luận cần sự chính xác tuyệt đối. Mỗi kết luận về một người có nhiễm virus hay không có thể nói là quyết định rất lớn là bước ngoặt của cuộc đời người bệnh cũng như gia đình họ.
Nhưng với các hành vi trên, các cán bộ này đã trục lợi trên sự lo lắng, trên những quyết định vô cùng quan trọng của cuộc đời bệnh nhân. Ai có thể trả lời được tỷ lệ những sai sót sau khi bị cắt đôi, đã có bao nhiêu bệnh nhân phải nhận kết quả sai lệch và cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng như thế nào sau kết quả đó?
Những người có liên quan đã lên tiếng với một “giả thuyết” khó mà tin được, đó là các cán bộ đang thử nghiệm. Vẫn còn đó những câu hỏi, tại sao phải tiến hành “thử nghiệm chui” một cách giấu diếm như thế? Và đơn vị cung cấp các que thử cũng trả lời công khai họ chưa từng được biết có một thử nghiệm nào như thế.
Để phần nào khắc phục hậu quả cũng như lấy lại niềm tin của xã hội, không còn cách nào khác ngoài việc cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những sai phạm cũng như công khai hình thức xử lý những cá nhân, tổ chức sai phạm. Cùng với đó là sự hoàn thiện quy trình nhằm hướng tới giảm thiểu những tiêu cực có thể xảy ra...
Quang Lê