Khi những người lính làm “bố nuôi” 

Biên phòng - Những ngày hè giữa tháng 6, nắng chói chang trên những cánh rừng và từng cung đường, tôi lên với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị và bà con người dân tộc thiểu số Pa Kô để được tận mắt chứng kiến câu chuyện về những người chiến sĩ Biên phòng làm “bố nuôi”, nâng bước các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tới trường.

9018_15

Cán bộ Đồn Biên phòng A Vao chăm lo bữa ăn cho các “con nuôi” tại đơn vị. Ảnh: Nguyễn Thành Phú 

Từ Đồn Biên phòng A Vao đến cột mốc mang ký hiệu 625 phải đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ qua khá nhiều con dốc gần như dựng đứng. Tiếp tôi và các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao là ông Côn Nô, chủ nhân của ngôi nhà sàn cũ kỹ lọt thỏm giữa mênh mông núi rừng. Năm nay, Côn Nô 45 tuổi, vóc dáng gầy gò, nước da đen, khuôn mặt khắc khổ. Ông là “thủ lĩnh” của một gia đình 9 người con, tuổi từ 4 đến 15, nhưng chẳng cháu nào được cắp sách đến trường. Ông Côn Nô bảo, nhà nghèo nên không có tiền cho con đi học, các con đi học thì lấy ai làm rẫy, làm việc nhà. 

Trung tá Đinh Quang Duyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao kể: Sau nhiều lần thuyết phục ông Côn Nô cho các cháu đi học không đạt kết quả, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã bàn bạc, thống nhất kiên trì thuyết phục ông Côn Nô cho các cháu về ở tại đơn vị, rồi phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Giám hiệu trường Mầm non, trường Tiểu học xã A Vao đưa các cháu đến trường. Khi kế hoạch được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đồng ý cho phép đơn vị nhận các cháu làm “con nuôi”, chúng tôi đã cử một tổ công tác lên tận nhà ông Côn Nô “cùng ăn, cùng ở” để vận động, thuyết phục, thế nhưng, ông vẫn cứ chần chừ và chưa thật tin tưởng vào bộ đội. Tổ công tác đã mời ông về thăm nơi ăn, ở của các con do đơn vị chuẩn bị. Tận mắt chứng kiến nơi sinh hoạt của các con với đầy đủ tiện nghi, bữa cơm ăn có đủ chất dinh dưỡng, không phải độn sắn, độn củ rừng, ông Côn Nô đã đồng ý cho các con mình làm “con nuôi” của đồn Biên phòng. 

Và một ngày đầu tháng 10-2018, 9 người con của ông Côn Nô đã tạm biệt bố, mẹ, tạm biệt núi sâu, rừng thẳm, theo chân các chiến sĩ Biên phòng về hòa nhập với mọi người. Trung tá Đinh Quang Duyên cho biết thêm: “Để đảm bảo nơi ăn, ở cho các cháu, chúng tôi đã chuẩn bị một phòng nhỏ đủ cho 9 chị em sinh hoạt cùng nhau. Đơn vị cử một đồng chí cán bộ trực tiếp quản lý, hướng dẫn, chăm lo. Thời gian đầu, đơn vị mua sắm cho mỗi cháu một bộ đồ dùng cá nhân gồm: Chăn, màn, gối, chiếu, áo, quần, giày, dép và những vật dụng sinh hoạt cần thiết nhất. Sau thời gian các cháu quen với cuộc sống mới, chúng tôi phối hợp với trường Tiểu học và trường Mầm non xã A Vao để các cháu đến trường học tập. Kết  thúc năm học 2018-2019, 8/9 cháu hiện đang học ở trường Tiểu học đều được lên lớp”.

Để duy trì việc học tập lâu dài, đơn vị phối hợp với trường Tiểu học xã A Vao hỗ trợ thêm 10kg gạo/ cháu/ tháng; đồn Biên phòng chăm lo khâu thực phẩm, mua sắm một số vật dụng sinh hoạt, quản lý, chăm sóc, hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt với mức 250.000 đồng/cháu/tháng.

Thượng úy Hồ Văn Hùng, nhân viên Đội Vận động quần chúng, người được Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc các cháu tâm sự: “Mấy ngày đầu mới về, các cháu nhớ nhà cứ khóc và đòi về lại nhà chứ nhất định không chịu ở với các chú BĐBP. Ban đêm, tôi chẳng dám ngủ vì sợ các cháu bỏ trốn thì nguy hiểm lắm. Để các cháu đỡ nhớ nhà, hàng ngày, tôi đánh thức các cháu dậy tập thể dục, ăn sáng và vui chơi với nhau. Do ít được tiếp xúc với bên ngoài nên lực học của các cháu cũng có phần hạn chế, tôi đã cùng các thầy, cô giáo dạy thêm cho các cháu vào buổi tối. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là các cháu bị ốm, vì thế tôi chăm sóc các cháu rất kỹ, không cho nghịch bẩn hay chơi những trò chơi nguy hiểm...”. 

Nắng chiều chếch sau khoảng rừng biên giới, nghe tiếng cười nói, tôi nhìn ra cổng và thấy một người đàn ông dắt theo 9 cháu nhỏ đang đi vào. Thấy tôi, chúng khoanh tay chào rồi quấn quýt bên cạnh Thượng úy Hùng. Ông Côn Nô xởi lởi: “Mấy đứa ni không muốn ở nhà nữa rồi, nghỉ hè lâu mà chúng cứ bắt phải đưa chúng về ở với “bố nuôi Hùng” và các chú Biên phòng thôi. Xa chúng, tôi cũng buồn và nhớ lắm, nhưng nhìn chúng được sung sướng, được đi học để sau này khỏi khổ, tôi cũng vui cái bụng nhiều lắm”.

Niềm vui của gia đình ông Côn Nô là sự khẳng định đúng đắn nhất từ thực tiễn cho phong trào “Nâng bước em tới trường” hiện đang được BĐBP Quảng Trị triển khai thực hiện. 

Nguyễn Thành Phú

583 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 808
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 808
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87233949