Khi COVID-19 chuyển sang nhóm B, mắc bệnh sẽ không được điều trị miễn phí 

(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sự khác biệt khi COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là người bệnh không được điều trị miễn phí nữa. Tuy nhiên, người dân khi điều trị COVID-19 có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì được thanh toán BHYT theo đúng mức hưởng ghi trên thẻ.

Tại cuộc Tọa đàm - Trao đổi về truyền thông y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều 14/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết "dự kiến tháng 6 này sẽ có quyết định chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B".

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trước đây, người dân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A khi vào cơ sở khám chữa bệnh sẽ được điều trị miễn phí. Nếu COVID-19 chuyển sang nhóm B sẽ có sự thay đổi trong thanh toán chi phí điều trị. Người dân khi điều trị COVID-19 có thẻ BHYT thì được thanh toán BHYT theo đúng mức hưởng ghi trên thẻ. COVID-19 đã được đưa vào thông tư số 20/2022/TT-BYT thanh toán BHYT.

 Khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, người dân không được miễn phí điều trị nữa. Ảnh:TL

Bộ Y tế nêu 3 lý do để đề xuất điều chỉnh COVID-19 từ nhóm A sang B.

Thứ nhất, theo Tổ chức Y tế thế giới, SARS-CoV-2 vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà,…

Thứ 2, đã xác định rõ tác nhân gây COVID-19 là virus SARS-CoV-2.

Thứ 3, bệnh này hiện đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Trước đó, ngày 03/6/2023, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã cùng với Bộ Tư pháp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Riêng quyết định chuyên môn từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B do Bộ Y tế quyết định.

Hai quyết định này sẽ làm đồng thời. Cùng đó, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đang chỉnh sửa lại tất cả các hướng dẫn chuyên môn như: hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn chẩn đoán điều trị; hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế…

“Việc chuyển từ nhóm A sang nhóm B dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6/2023. Khi Thủ tướng ký công bố hết hiệu lực của Quyết định 447 thì Bộ Y tế cùng đồng thời ký ban hành hướng dẫn về chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)  Phan Trọng Lân cho biết: Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam luôn giám sát đồng bộ về tình hình dịch bệnh.

Theo Cục trưởng Phan Trọng Lân, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho thấy phân loại dựa trên bệnh học là chủ yếu. Tại Việt Nam, nhóm A chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát về hành chính xã hội. Hay nói cách khác là nếu nhóm A thì ngoài ngành y tế sẽ có các bộ, ngành cùng tham dự chống dịch. Còn khi sang nhóm B thì chủ yếu là ngành Y tế triển khai.

Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc COVID-19, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%).

Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn; tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Số liều vaccine COVID-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới./.

 
Đỗ Thoa
357 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1275
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1275
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87166965