Chị Lương Thị Thái (thôn Pạt, huyện Bá Thước) với con bò giống được Viettel tặng làm sinh kế. (Ảnh: Nguyễn Phương/Vietnam+)
10 năm qua, diện mạo huyện miền núi Bá Thước đã có nhiều thay đổi. Nhiều khả năng trong năm 2020, Bá Thước có thể hiện thực hoá mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Trong câu chuyện thay da đổi thịt đó, thấp thoáng hình ảnh những chú bò...
Hôm đó là một ngày đặc biệt với gia đình chị Trương Thị Tiến, 29 tuổi, thôn Dầu Cả, xã Lương Ngoại. Cả đêm hôm trước, chồng chị cứ càu nhàu vợ không ngủ mà cứ trở người liên tục.
Ngày mai gia đình chị sẽ có thêm một thành viên mới - một chú bò con. Chị kể lại: “Nghĩ cứ buồn cười, đi đón bò mà hồi hộp, háo hức như đi hẹn hò lần đầu.”
Nhưng biết sao được, con bò có thể giúp gia đình chị bớt khó khăn hơn về kinh tế. Từ một con bò, chị có thể có một đàn bò, gia đình có thể bớt khổ. Nhiều gia đình mà chị biết kinh tế đỡ khó khăn hơn cũng bắt đầu từ con bò giống như vậy.
Chị dậy rất sớm, vận một cái áo đỏ. “Cho có tí may mắn,” chị Tiến nói. Cứ nghĩ mình đến sớm lắm, nhưng khi đến sân vận động, chị thấy có đông người lắm rồi. Đợt trao bò này có 60 gia đình được nhận, chị Tiến nghe mọi người bảo thế.
Lúc được nhận bò, chị cứ cười mãi. Chị hết vuốt đầu chú bò, lại vỗ vỗ vào lưng ra chiều ưng ý lắm. “Thế là từ 1 con, biết đâu sau này nhà mình sẽ có hẳn 1 đàn vài con”, chị nói. Thật ra chị cũng có lo, nhỡ... không may thì sao. Nhưng hỏi mấy người từng nuôi bò theo đề án này (đề án 30A của Chính phủ mà Viettel là đơn vị hỗ trợ ở huyện Bá Thước), họ cứ nhắc mãi đến mấy anh chị ở dự án, thường xuyên về thăm, rồi hướng dẫn từng tí một. “Trời có tuyệt của ai cái gì đâu, thử thôi,” chị nói.
Một năm trước, chị Lương Thị Thái ở thôn Pạt đã được xếp vào danh sách hộ thoát nghèo, nhờ bò. Chị được nhận con bò giữa năm 2017. Chỉ vào con bò lông mượt mà, đang nhẩn nha nhai cỏ trong chuồng, chị nói rằng bò đang chửa, chỉ vài tháng nữa sẽ đẻ. “Đẻ xong mình sẽ nuôi tiếp, rồi bò cứ thế nhân lên, thành đàn lớn. Mình không bán đâu,” chị cười cười.
Sau 10 năm thực hiện chương trình 30A, Tập đoàn Viettel đã tặng 2.500 con bò giống cho những hộ nghèo ở 3 huyện Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đắk Rông (
Quảng Trị). (Ảnh: Nguyễn Phương/Vietnam+)
Chị bảo cái nghèo đã bám đeo cả đời rồi, mãi mới có tí hy vọng là kiếm được một khoản cho ra tấm ra món. Khi có cả đàn bò, chị có thể nghĩ về một điều gì đó xa hơn, như là đủ khả năng cho mấy đứa nhỏ đi học, hay là sửa lại nhà cho tử tế. Bao năm rồi, mấy người nhà chị chui rúc trong một cái nhà dựng tạm, lợp lá. “Mỗi khi trời mưa, nước hắt thẳng vào nhà, tỉnh cả ngủ cô chú ạ,” chị nói.
Chị Tiến hay chị Thái chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp hộ nghèo được Viettel hỗ trợ bò giống theo đề án 30A, được Tập đoàn này thực hiện liên tục 10 năm gần đây.
Kể từ năm 2009 đến nay, Viettel đã trực tiếp hỗ trợ 3 huyện miền núi gồm Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị).
Đến nay, Viettel đã đầu tư gần 250 tỷ đồng hỗ trợ hơn 4.700 hộ nghèo để xây dựng nhà ở, tặng bò giống, xây dựng trường học, trạm y tế và tặng quà Tết.
Sau 10 năm thực hiện chương trình 30A, Viettel đã trao hơn 2.500 con bò giống, 2.200 ngôi nhà đến tận tay các hộ nghèo tại 3 huyện. Trong đó, Mường Lát gần 1.200 con và 355 ngôi nhà, Bá Thước gần 700 con bò và 440 ngôi nhà, Đắkrông gần 600 con bò và 1.469 ngôi nhà.
Bên cạnh đó, Viettel cũng tài trợ xây dựng 13 công trình gồm 8 trạm y tế, 3 trường học, 2 nhà bán trú trên địa bàn 3 huyện này.
Sự hỗ trợ của Viettel đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện trung bình 6.85%/năm, trong đó huyện Đăkrông (Quảng Trị) giảm trung bình 7,3%/năm, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) giảm trung bình 7,14%/năm, huyện Bá thước (Thanh Hóa) giảm trung bình 6,12%/năm tỉ lệ hộ tại địa phương sau 10 năm được Viettel hỗ trợ.
“Sự hỗ trợ của Viettel trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương, đặc biệt đã giúp cho Bá Thước hiện thực hóa mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2020,” ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Bá Thước (Thanh Hóa) nhấn mạnh.
Đại tá Dương Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Viettel chia sẻ, khi thực hiện chương trình xã hội trên nhiều tỉnh thành, Viettel đã đúc rút được những kinh nghiệm thành công và trao tặng bò giống là một biện pháp xóa nghèo bền vững hiệu quả.
Bò giống có thể coi như “chiếc cần câu” giúp người dân có thêm động lực để tự vươn lên. “Chúng tôi cùng chính quyền địa phương đem đến cho người dân cơ hội, tạo ra sinh kế để họ tự giúp chính mình. Chỉ khi làm như vậy, việc thoát nghèo của bà con mới bền vững,” Đại tá Dương Văn Toàn nhận xét./.
Nguyễn Phương (Vietnam+)