Cuộc kiểm tra của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ở vùng dứa Quảng Trị, cái tên Đồng Giao (Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – Ninh Bình) xuất hiện như một “lái buôn” lớn với cam kết sẽ thu mua hết 800 tấn dứa trong tổng diện tích 200ha cho bà con. Cái giá là 4.200 đồng/kg.
Và hơn cả một lái buôn, họ có tên trong một thỏa thuận đề án trồng dứa nguyên liệu phục vụ chế biến, một hình thức “tái cơ cấu nông nghiệp”.
Trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đồng Giao cũng xuất hiện với tuyên bố nức lòng: Cam kết sẽ thu mua 10.000 tấn vải thiều, số lượng lớn hơn rất nhiều lần so với năm ngoái. Và 4 trong số 10 nghìn tấn này hiện đã có hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật. Số còn lại, sẽ xuất sang các thị trường Anh, Đức.
Cả dứa, cả vải, và không thiếu những mặt hàng nông sản Việt khác đang có trên kệ siêu thị ở những thị trường lớn nhất, kỹ tính nhất, với những cái giá thật đáng mơ ước: 400 nghìn cho một vỉ 12 quả.
Có nghĩa rằng rau quả Việt đã thực sự có thương hiệu, có uy tín và có một tiềm năng cực lớn về chỗ đứng.
Và 3,5 tỉ USD từ xuất khẩu rau quả, kỷ lục năm 2017, chính là một minh chứng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Vấn đề chính của nông sản Việt lại vẫn là thị trường. Là sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Sự hạn chế này khiến cho con số 3,5 tỉ chỉ như muối bỏ bể so với một tổng sản lượng khổng lồ.
Cái tên Đồng Giao, cho thấy một điểm, rằng vai trò của doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu (XNK) đã được nhìn thấy rất rõ trong chuỗi giá trị nông sản. Và sự xuất hiện của họ cũng hoàn thành chu trình liên kết “4 nhà” mà chúng ta đang đề cao.
Nhưng cái tên Đồng Giao, xuất hiện trong cả hai cuộc thị sát/ kiểm tra của hai vị Bộ trưởng, cũng cho thấy “nhân tố trung gian”, nhân tố có yếu tố quyết định làm tăng giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu chế biến, chống “được mùa mất giá”, khai thông thị trường XNK cũng lại đang là yếu tố mà nông nghiệp Việt Nam đang thiếu một cách trầm trọng.
Trong cuộc kiểm tra tại Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng cần phát triển thương hiệu, giữ vững chất lượng và uy tín và sớm hình thành vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha để tiến tới xây dựng nhà máy thu mua và chế biến dứa.
Có lẽ, chỉ khi công nghiệp chế biến theo kịp tốc độ phát triển, chúng ta mới có thể xóa bỏ tình trạng ế thừa, mới có thể gia tăng giá trị và nói tới những kỷ lục xuất khẩu. Mà công nghiệp chế biến thì lại trông chờ vào quyết sách của chính các vị bộ trưởng.