Nhà báo Trần Đăng Mậu cho anh xem 2 bức ảnh chụp lại hai tấm panô “Khe Sanh xưa và nay” từng trưng bày ở hội báo xuân tổ chức tại huyện Hướng Hóa dịp vừa rồi. Thế là anh alô, rồi ngồi sau lưng tôi rong ruổi Khe Sanh, theo dấu “xưa và nay".
Anh bảo, hiểu biết về Khe Sanh khi chưa đến đây, chỉ là một chiến trường khốc liệt với một chiến thắng vang đội của 50 năm về trước. Mù mờ hơn chút, anh biết trên dãy Trường Sơn này trước kia chỉ có người bản địa là đồng bào Vân Kiều, Pa Cô với cuộc sống thiếu trước hụt sau. Bây giờ, Khe Sanh trước mắt anh khác với hình dung ở những nơi đến, những nơi đi qua. Ở đó, bom đạn vẫn hiện diện, vẫn còn khó khăn, và còn một Khe Sanh – chiến trường khác cũng khốc liệt không kém…
Kỳ 1: Cuộc sống nơi đầu nguồn sông Sê Băng Hiêng
Dòng sông Sê Băng Hiêng bắt nguồn từ những ngọn núi ở phía Tây dãy Trường Sơn, uốn éo qua những thác ghềnh trên đất Việt, rồi bất ngờ chảy ngược về phía bạn Lào, chứ không về xuôi như những dòng sông khác. Bản Cuôi nằm ở đầu nguồn con sông, cách trung tâm xã Hướng Lập tầm 13 cây số và cách trung tâm huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) hơn 60 cây số. Đây là nơi xa nhất, khó khăn nhất của huyện miền núi này, vì địa thế nằm tách biệt giữa núi rừng với cuộc sống tự cung tự cấp của một bản làng người đồng bào thiểu số.
Từ vùng đất bị lãng quên
Tôi lên Cuôi lần đầu cách đây 7 năm, quãng đường lúc đó là 42 lần lội qua lội về Sê Băng Hiêng và phải mất gần 1 ngày trầy trụa mới vượt qua. Vào Cuôi lúc đó chỉ một đường độc đạo là lội ngược dòng Sê Băng Hiêng không chút êm đềm, với thác đá phủ rêu trơn trượt. Vào mùa mưa, rừng già sũng nước thì nơi này bị cô lập hoàn toàn, bản làng hiu hắt, thiếu thốn. Và thời điểm đó, Cuôi vẫn là một vùng đất không được nhiều người ở cùng huyện biết đến.
Năm đó, chúng tôi chọn vào Cuôi dịp cuối xuân và được Thành – giáo viên hợp đồng dạy ở điểm trường bản Cuôi tình nguyện dẫn đường. Đường đi vốn đã khó khăn nay càng nguy hiểm hơn bởi không biết bắt đầu từ bao giờ, vàng tặc xuất hiện và băm nát dòng sông này, khiến suốt chiều dài dòng sông tồn tại nhiều hố sâu hoắm, trở thành chướng ngại vật nguy hiểm.
Thầy giáo Thành (phải ảnh) chuẩn bị bữa ăn khi vào điểm trường Cuôi. Ảnh: Minh Hiển (chụp năm 2012).
Chúng tôi đang dò đường thì bất ngờ mưa ở thượng nguồn đổ về, cộng với việc khai thác vàng ở đầu nguồn, nên nước sông đỏ ngầu khiến Thành mất phương hướng. Thành phải đi trước một quãng để dò dẫm, đang căng mình lội qua những phiến đá trơn trượt, Thành sụt hố đào vàng sâu. Khi bò lên được khỏi hố thì người được ngụy trang bởi lớp bùn non đặc quánh, chỉ nhận ra được mỗi hai con mắt và hàm răng…
Lầm lũi đến xế chiều, trên sông Sê Băng Hiêng bắt đầu hiện ra các bãi khai thác vàng. Dù mỗi bãi chỉ lác đác vài bóng người, nhưng cả lòng sông ở khu vực đó đã bị băm nát. Đến sẩm tối, Cuôi xuất hiện trong tầm mắt, với từng cột khói đứt đoạn phát ra trên những mái nhà sàn bằng tranh bên dòng suối. Điểm trường Cuôi ở ngay đầu bản, thời điểm đó được ghép bằng gỗ với một phòng học, một gian bếp kê thêm một chiếc giường – là nơi sinh hoạt của hai giáo viên cắm bản. Đêm đầu tiên ở Cuôi, sau bữa cơm tối được nấu vội vừa khê vừa sống, chúng tôi nằm nghe tiếng róc rách của dòng sông bên ngọn đèn dầu.
Do lương thực mang theo bị ngấm nước, vứt lại dọc đường, nên Thành phải vào bản mua ít mắm muối. “Cái gì cũng đắt hơn ngoài kia ít nhất là 3 lần” – Thành nói rồi bỏ ra bàn 5 gói mì tôm được mua với giá 45 nghìn đồng. Đắt ít nhất gấp 3 lần so với giá thị trường, là vì để đưa được 1 gói mì vào đây, người dân phải gùi cả chặng đường dài. Bên cạnh đó, ở bản chẳng mấy ai có tiền, mì tôm được liệt vào loại xa xỉ, nên đôi lúc đắt hơn 3 lần vẫn không có mà mua!
Bữa cơm tại nhà ông Hồ Văn Tiến (bìa trái ảnh) vào năm 2012. Ảnh: Hưng Thơ.
Dạo quanh Cuôi một vòng, chỉ gặp toàn thanh niên, người già và trẻ con ở nhà, phụ nữ hầu như đã lên rẫy. Cả bản chỉ có mấy mô-tơ điện đặt ở suối đủ để thắp bóng đèn nhỏ leo lét, nhưng mấy năm trở lại dòng sông bị đào xới tìm vàng, cây cối bị phá, thường xuyên xuất hiện lũ nên các mô-tơ đều bị hỏng. Cuôi có 22 hộ với 117 khẩu, tất cả đều là người dân tộc Vân Kiều. Toàn bộ các hộ trong bản đều sống bằng nghề làm nương rẫy, nhưng khi xuất hiện vàng tặc, một số hộ ở Cuôi học làm theo hoặc làm thuê. Rồi từ đó, khi kiếm được chút đỉnh từ vàng, kinh tế có dôi lên đôi chút thì dân bản học luôn bài bạc, rồi uống rượu rê ra từ sáng đến tối, bỏ bê nương rẫy.
Trước khi vàng tặc xuất hiện, dòng sông được dân bản nâng niu, gìn giữ như một báu vật. Sông có nhiều cá nhờ quy định chỉ đánh bắt thủ công, rừng nhiều cây gỗ lớn vì luật tục muốn cưa gỗ dựng nhà phải cúng heo, bò tương xứng. Thế rồi, không biết bằng cách nào dòng sông cứ bị khoét, những cây gỗ lớn bị cưa xẻ công khai, thuốc đánh cá trên dòng sông nổ ầm ầm… Sống phụ thuộc vào thiên nhiên, nhưng thiên nhiên bị tàn phá, nên cuộc sống của dân ngày càng đi xuống. Điều đó càng làm cho Cuôi thêm cách trở, xa xôi.
… đến Sê Băng Hiêng ngày trở lại
Tôi hỏi trung tá Nguyễn Quang Tuấn – Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Bai rằng đường vào Cuôi mùa này có đi được không? Trung tá Tuấn cười, bảo xe tay ga cũng đi vù vù, bây giờ ra vào chỉ trong nửa buổi là thư thả. Đúng như lời trung tá Tuấn, nhờ sự hỗ trợ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu 4), bây giờ một con đường rộng vào bản đã được mở ngay bên dòng sông, dù đường chỉ mới được san ra, chưa rải nhựa, nhưng như thế đã thuận lợi gấp nhiều lần.
Đường vào Cuôi bây giờ đã thuận lợi. Ảnh: Hưng Thơ.
13km từ đường Hồ Chí Minh vào, chỉ mất hơn 30 phút là chạm mặt Cuôi. Nằm ở đầu bản vẫn là điểm trường Cuôi, chỉ khác bây giờ là một dãy nhà có phòng học, có phòng công vụ và cả phòng bếp cho giáo viên ở lại.
Đi hết bản Cuôi, ngạc nhiên vì bản làng vắng vẻ, mỗi phó trưởng thôn Hồ Văn Tiến (SN 1952) là ở nhà giữ cháu. 7 năm trước, ngôi nhà sàn của ông Tiến đón tiếp chúng tôi bằng bữa cơm đạm bạc, lúc đó, cứ nâng ly rượu là ông Tiến thở dài, kể về dòng sông đang bị đầu độc mà bất lực. Bây giờ gặp, nhắc lại chuyện cũ, ông Tiến thay vẻ mặt buồn xo năm nào bằng nụ cười tươi rói. Ông bảo, ngày trước nếu bản làng vắng vì chìm trong “cơn say”, thì nay bản làng vắng vì đang mùa gặt, bà con trai tráng đi ruộng, đi rẫy cả.
Điểm trường Cuôi khang trang, có đầy đủ phòng học, phòng ở cho giáo viên. Ảnh: Hưng Thơ.
Ngồi trên ngôi nhà ở vị trí khá cao, có thể nhìn bao quát một góc bản, ông Tiến khoát tay, chỉ về phía dãy nhà sàn làm bằng gỗ hoành tráng, bảo rằng cuộc sống của dân làng nay đã đổi khác. Trước kia cả bản chỉ có mấy con trâu, bò, thì chừ có hơn 40 con. Trước kia chủ yếu làm lúa rẫy một năm một vụ, cuối vụ đói mờ con mắt thì nay làm được thêm lúa nước, năm hai vụ nên không còn chuyện đói cuối mùa nữa. Lúc trước trẻ con ở đây chỉ biết đọc, biết viết là thuộc dạng có trình độ, thì nay nhiều người đã thoát khỏi mái trường lá, ra trung tâm học.
“Không nói quá mô, nhìn nhà bố là biết nì” – ông Tiến chỉ vào hơn 10 bao lúa chất ở góc nhà. Đó không phải là lúa mới, mà của vụ mùa trước. Câu chuyện đang liền mạch thì đứa cháu nằm ở võng khóc ề a, ông Tiến đẩy nhẹ võng, nói rằng tên cháu là Hồ Tâm Như. Khi Như mới sinh được 1 tuần thì bị bệnh đường hô hấp, không thở được. Thấy không ổn, gia đình ông Tiến đưa cháu ra trạm y tế xã, rồi được chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
7 năm trôi qua, ông Tiến không già đi mà trẻ lại vì cuộc sống đã khấm khá hơn. Ảnh: Hưng Thơ.
“Nếu ngày trước, ai đau ốm cần đi viện, bản phải cử những thanh niên khỏe mạnh cáng đi, ra đến trạm nhiều lúc không kịp nữa. Bây giờ xe máy chạy được, y tế xã cũng hiện đại nên thuận lợi. Nói xui rủi, nhờ rứa Như mới sống được, chứ mấy năm trước chắc khó qua khỏi” – ông Tiến cười. Hết khoe bao lúa và đứa cháu, ông Tiến chỉ lên tờ giấy khen của con trai ông là Hồ Văn Yên (SN 1998). Yên là học sinh lớp 11 của Trường phổ thông dân tộc bán trú Hướng Phùng, năm ngoái em đạt học sinh tiên tiến. “Nó là người có học thức cao nhất bản này” – ông Tiến, tự hào…
Sự đổi khác không chỉ diễn ra ở mỗi nóc nhà của ông Tiến, mà hầu như ngôi nhà nào ở Cuôi cũng khác xưa, đời sống cao hơn. Ở đây việc buôn bán đã phát triển, đầu và cuối bản có 2 quán tạp hóa đầy đủ các mặt hàng. Mỗi tuần, đều có xe ôtô chở các loại nhu yếu phẩm vào để trao đổi, cung cấp cho người dân với giá phải chăng chứ không còn đắt đỏ như ngày trước.
Đặc biệt, trong năm 2017, Cuôi được hòa lưới điện quốc gia, nhà nào cũng được hỗ trợ lắp đường dây và bóng điện. Đêm đến, Cuôi không còn chìm nghỉm giữa núi rừng cô quạnh với tiếng róc rách của dòng sông, mà tiếng tivi, tiếng trẻ con học bài bên ánh điện sáng hơn ánh trăng đã đem đến nhiều hi vọng…
Đại úy Lê Văn Thuận thăm hỏi người dân ở bản Cuôi. Ảnh: Hưng Thơ.
Cùng trở lại Cuôi lần này với tôi còn có đại úy Lê Văn Thuận – Đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cù Bai. Mới vào công tác ở Hướng Lập 2 năm, nhưng Cuôi đã quá quen thuộc với đại úy Thuận, vì hầu như tuần nào, anh cũng ghé vào thăm bà con. Nhờ sự có mặt của lính biên phòng, và giao thông, liên lạc thuận lợi, nên tình hình an ninh trật tự ở bản bây giờ rất yên ổn. Vàng tặc không còn xuất hiện trên Sê Băng Hiêng nữa, nên dòng nước trong xanh trở lại, kéo cá trở về. Lâm tặc cũng không thể ngang nhiên đốn cây, xẻ gỗ, nên lũ lụt ở đầu nguồn đã bớt hung hãn hơn trước.
Lang thang ở Cuôi đến giữa trưa, ông Tiến gửi lời mời đến nhà dùng bữa. Tôi cầm chén cơm nóng hổi vừa được giã từ mẻ lúa của vụ mùa trước, và nâng ly rượu trắng được chính tay ông Tiến cất bằng nước đầu nguồn của sông Sê Băng Hiêng mà chuếnh choáng. Cũng ở ngôi nhà sàn này, cũng là những gương mặt xưa cũ, cũng là những món ăn đạm bạc như 7 năm về trước, nhưng chén cơm, ly rượu bây giờ không còn mang vị mặn chát…
(Còn tiếp...)
LÂM HƯNG THƠ