Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị 

Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra rất nhiều quan điểm, tư tưởng quan trọng, trong đó tinh thần xuyên suốt là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để khẳng định tầm quan trọng của nội dung này, cũng như từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đưa nội dung này vào chuyên đề sinh hoạt toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng về học tập làm làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là gì?

Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; khát vọng là nguồn động lực vô biên để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách. Cụ thể ở vào thời điểm này khát vọng của dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.

Thực tế thì mỗi thời kỳ lịch sử chúng ta có một khát vọng khác nhau. Khi thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược đất nước ta khát vọng của chúng ta khi đó luôn là khát vọng hòa bình, được sống trong tự do và thống nhất đất nước và chúng ta cũng đã phải mất 30 năm mới thực hiện được khát vọng này. Ngày đất nước thống nhất, những tưởng sẽ được sống trong hòa bình, thịnh vượng thì ngay lập tức, đất nước lại gặp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Bị bao vây cấm vận, thù trong giặc ngoài khiến cho kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Nhân dân rơi vào cảnh đói khổ, thiếu thốn, li tán, tha hương. Khát vọng của chúng ta trong thời kỳ này một cuộc sống ấm no, xã hội yên bình.

Vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách của cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, chúng ta quyết tâm đổi mới và đã xây dựng được một nước Việt Nam năng động, phát triển. Hiện nay, với những thành tựu thần kỳ của mình trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, Việt Nam đang trở thành mảnh đất “thiên đường” mà nhiều người nước ngoài mơ ước được sinh sống. Giờ đây, khát vọng đặt ra từ Đại hội XIII của Đảng là dân tộc Việt Nam phải bứt phá vươn lên, cất cánh xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Khát vọng phát triển đất nước phải bắt đầu từ mỗi gia đình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Gia đình là tổ ấm của mỗi người, nhưng là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững được.

Trong thời đại ngày nay mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra, sâu hơn khi những lo toan, bộn bề của công cuộc mưu sinh. Trong xã hội hiện đại những bữa cơm chung với gia đình ít dần; bố mẹ lúc rảnh thì cắm cúi với điện thoại, mạng xã hội, lũ trẻ thì chúi mũi vào ti vi, điện thoại, máy tính bảng... Mối liên kết giữa ông bà, bố mẹ, con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc ngày càng lỏng lẻo, ảnh hưởng tới không khí đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình.

“Tổ quốc ta đang tiến lên phía trước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, điều đó cần phải được bắt đầu từ sự đóng góp hiệu quả từ mỗi gia đình”. Đây là Thông điệp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến toàn thể các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc, gia đình Việt Nam ở nước ngoài, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021). Trong Thông điệp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, gia đình là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, tình yêu quê hương đất nước và cũng là chỗ dựa tinh thần cho mỗi người chúng ta. Để gia đình thực sự trở thành bến đỗ bình yên, hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hóa, đồng thời tiếp thu được những giá trị cốt lõi của cuộc sống, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam. Đồng thời, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh để phát triển. Đó là sự cộng hưởng của sự tin tưởng, yêu thương, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ nhau và bình đẳng. Mỗi thành viên biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau, biết trân trọng tình cảm gia đình, biết gìn giữ, vun đắp cho tổ ấm gia đình thì sự bình an, hạnh phúc đó mới thực sự bền lâu.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc phải được bắt đầu từ mỗi cơ quan, đơn vị, mà cụ thể hơn là bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên

Khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có niềm tin chắc chắn và khát vọng mãnh liệt về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp nội lực và ngoại lực để phát triển đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trước lúc đi xa, lời căn dặn Người để lại trong bản Di chúc cũng thể hiện khát vọng tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền động lực mạnh mẽ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Ngày nay, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt việc nêu gương trên tất cả các lĩnh vực:

Thứ nhất: Nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là sự kiên định lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thứ hai: Nêu gương về ý thức trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là khi được giao bất cứ một công việc gì, dù to hay nhỏ, khó hay dễ, người được giao việc phải đem hết tinh thần trách nhiệm để thực hiện công việc một cách tự giác, làm đến nơi đến chốn để đạt kết quả tốt nhất.

Thứ ba: Nêu gương về tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỹ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Muốn làm gương mẫu (...) phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”, dám chịu trách nhiệm. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hành đoàn kết.  Vì đây là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta.

Thứ tư: Nêu gương về ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển bản thân và gia đình, cơ quan, địa phương, quê hương, đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”. Vì vậy, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải biết tự tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, có ý chí vươn lên... Không ngừng học tập, nghiên cứu cái mới, cái tiến bộ để nâng cao trình độ, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Châu Minh

4928 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 652
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 652
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77023073