Khát vọng hòa bình và phát triển trên vùng đất lửa 

Những ngày tháng Bảy này, trong lòng người Quảng Trị đang thắp sáng lên ngọn lửa về lòng nhân ái, tình yêu và ước nguyện hòa bình cho quê hương, đất nước và nhân loại, với Lễ hội Vì Hòa Bình mang tầm quốc gia, quốc tế - là kết tinh của những nỗ lực không ngừng trên hành trình kiếm tìm, khẳng định và tôn vinh giá trị của truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc và nhân loại.

Suốt chiều dài lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam luôn nêu cao truyền thống hòa hiếu, nhân nghĩa và yêu chuộng hòa bình. Từ thời nhà Lý chống quân Tống xâm lược, khi nhiều tướng giặc bị bắt, rơi vào thế cùng quẫn và Nhà Tống buộc phải rút quân, ông cha ta đã “thế đức hiếu sinh” cấp ngựa, thuyền cho kẻ bại trận về nước, để giữ vững hòa hiếu với nước láng giềng.

Vượt trên cả ranh giới lịch sử, các truyền thuyết kinh điển với hình tượng Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp sắt bay về trời, hay vua Lê Lợi trả lại gươm cho Rùa thần trong sự tích Hồ Gươm, thể hiện ước nguyện độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ; đó cũng chính là khát vọng muôn đời của người dân đất Việt.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, với khát vọng tột cùng là độc lập, hòa bình và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, cả dân tộc đã trải qua một hành trình đấu tranh kiên cường, luôn được tiếp sức và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Hiệp định Gieneve (Thụy Sỹ) về đình chỉ chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương, rồi đến Hiệp định (Paris) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam là những minh chứng cho khát vọng hòa bình của toàn dân tộc Việt Nam.

Mảnh đất Quảng Trị, vốn giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi gánh chịu nỗi đau chia cắt hai miền đất nước trong nhiều thập kỷ, ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc chiến tranh. Vươn mình lớn dậy và khởi sắc trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, Quảng Trị đã nỗ lực không ngừng cho quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin với các đối tác, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Khởi đầu của hành trình hàn gắn, sau khi kết thúc chiến tranh, là các hoạt động ngoại giao nhân dân, thông qua hợp tác quốc tế với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực rà phá bom mìn và hỗ trợ phát triển. Từ những năm 1990, ngay khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, tỉnh Quảng Trị bắt đầu hợp tác với Tổ chức phi chính phủ đầu tiên là PeaceTrees Viet Nam, tiếp sau là rất nhiều tổ chức quốc tế của Đức, Bỉ, Anh, Na-Uy, Hàn Quốc...

PeaceTrees Viet Nam/Cây Hòa bình Việt Nam (Mỹ), tổ chức PCPNN đầu tiên hoạt động về bom mìn tại Quảng Trị (1995)

Với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các chuyến thăm, giao lưu của nhân dân các nước đến Quảng Trị, mà nhiều người trong số đó từng là cựu binh, đã tăng cường sự kết nối, hiểu biết lẫn nhau để cùng xây nên những nhịp cầu hữu nghị, đoàn kết và ươm mầm cho sự hợp tác phát triển bền vững, dài lâu.

 

134 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 646
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 647
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86005744