Khảo sát tiền lương, phụ cấp cán bộ, công chức ngành tòa án 

(Chinhphu.vn) - Ngày 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu đã làm việc với Tòa án nhân dân Tối cao, khảo sát thực trạng chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành tòa án nhân dân.

Tới nay, đã qua nhiều lần cải cách nhưng chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập, lương chưa thực sự trở thành động lực của cán bộ, công chức, người lao động, chưa thành nguồn thu nhập chính. Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đề án cải cách tiền lương mà Chính phủ xây dựng để trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 vừa phải có thay đổi mang tính chất căn bản, vừa khắc phục cho được các bất cập, bất hợp lý trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng phải tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và quy luật khách quan.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Tiền lương phải thể hiện được hao phí lao động của con người, phù hợp với các nguyên tắc quy luật khách quan về giá cả - tiền lương - năng suất lao động theo định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách tiền lương phải phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của nước ta”, Phó Thủ tướng nói trong buổi khảo sát.

Theo Phó Chánh án Toà án nhân dân Tối cao (TANDTC) Lê Hồng Quang, tính đến tháng 7, tổng số biên chế Tòa án nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao là 15.237 biên chế. Trong đó có 6.521 Thẩm phán và 8.716 công chức các loại. Số biên chế thực tế của hệ thống Tòa án nhân dân hiện là 17.513 người, gồm 14.802 biên chế công chức, viên chức và 2.559 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP.

Thu nhập bình quân tại TANDTC tính theo lương là 5,85 triệu đồng/tháng và tại Học viện Tòa án là 3,6 triệu đồng/tháng.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quan hệ tiền lương của Tòa án nhân dân là 1,00-2,34-8,00; trong đó hệ số 1,00 áp dụng với lao động phổ thông, chưa qua đào tạo; hệ số 2,34 (bậc 1/9) áp dụng với đối tượng tốt nghiệp đại học và hệ số 8,00 áp dụng với bậc cuối (6/6) Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao.

TANDTC đang áp dụng 5 bảng lương, trong đó Chánh án TANDTC áp dụng bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước quy định hai bậc lương; Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành Tòa án, Kiểm soát. Còn cán bộ, công chức không giữ chức danh tư pháp áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ như công chức trong cơ quan hành chính.

Công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong Tòa án nhân dân được hưởng mức phụ cấp từ 0,20 đến 1,30. Phụ cấp trách nhiệm đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án từ 15-30%.

Với vai trò, vị trí và tính chất công việc đặc thù là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp nhưng chế độ tiền lương của công chức làm việc trong Tòa án lại được hưởng như chế độ tiền lương của công chức làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, vẫn còn thấp.

 Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Một số bất hợp lý của hệ thống tiền lương hiện hành chưa tạo được sự yên tâm công tác lâu dài và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao đối với đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án”, ông Lê Hồng Quang cho hay.

Cũng theo ông Lê Hồng Quang, việc giải quyết tiền lương và phụ cấp chưa đồng bộ so với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu cải cách tư pháp; không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ.

Tiếp thu báo cáo và các ý kiến thảo luận của các thành viên Đoàn khảo sát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngành Tòa án có đặc thù là cơ quan duy nhất nhân danh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp mà chính sách tiền lương áp dụng như các bộ, ngành khác là chưa hợp lý (trừ Chánh án TANDTC). Do đó cần có chính sách lương thích hợp với ngành này, nhất là 3 chức danh Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa.

“Cần nghiên cứu tính toán trả lương theo vị trí và chức danh theo cấp hành chính và cấp tổ chức của Tòa án. Những phụ cấp gắn với chức danh đưa vào lương. Phụ cấp theo ngành, lĩnh vực, khu vực cần nghiên cứu xem xét”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị TANDTC hoàn thiện thêm các thông tin số liệu về quản lý biên chế, trả lương cả trong đội ngũ công chức, viên chức, khoán quỹ lương, tiết kiệm chi thường xuyên, báo cáo kỹ hơn để gửi tới Bộ Nội vụ. Các kiến nghị, đề xuất thay đổi cần mang tính chất căn bản, khắc phục những bất hợp lý phát sinh hiện nay.

TANDTC tổ chức đoàn nghiên cứu khảo sát nước ngoài tương đồng với Việt Nam về thể chế cũng như những nước có nền tư pháp phát triển, báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát cùng các đề xuất lên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Thành Chung

757 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 649
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 650
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87224596