|
Mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả tốt. |
Nhà máy sản xuất phân bón thông minh được xây dựng trên diện tích 5 ha, có công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư hơn 35 triệu USD. Trong giai đoạn 1, nhà máy được đầu tư khoảng 10 triệu USD, hoạt động với công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm.
Đại diện Công ty cổ phần Rynan Smart Fertili Zers cho biết, phân bón thông minh được tráng phủ một lớp polymer công nghệ cao thân thiện môi trường, giảm lượng khí thải nhà kính hơn 60%.
Sau khi nước thẩm thấu qua màng phủ vào bên trong, các khoáng chất, như: N, P, K, Cu, Mn, Fe, Zn... hòa tan từ từ. Tùy theo loại cây trồng, phân bón thông minh được sản xuất có thời gian phân tán hết khoáng chất từ 1-12 tháng hoặc lâu hơn cho cây trồng từ lúc giao hạt đến thu hoạch. Do đó, phân bón thông minh chỉ cần bón một lần, với lượng phân ít hơn các phân thông dụng từ 40%-60%, nhưng năng suất cây trồng tăng hơn 10%.
Năm 2017, loại phân bón này đã được thực nghiệm trên diện tích 200 ha lúa tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật và sử dụng phân bón thông minh hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm, môi trường, giúp nông dân giảm chi phí về lượng giống, phân bón, ngày công lao động và có nhiều ưu thế về mặt thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa chấp thuận chủ trương cho Ban Chỉ đạo Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (AMD Trà Vinh) tài trợ hơn 1,6 tỷ đồng cùng với Công ty cổ phần Rynan Smart Fertili Zers thực hiện tiểu dự án sản xuất 200 ha lúa theo quy trình sản xuất thông minh tại huyện Tiểu Cần, với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng.
(theo TTXVN)