|
Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo bệnh viện Hứu Nghị Việt Đức cắt băng khánh thành ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Tại lễ khánh thành ngân hàng mô, ngày 16/10, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngân hàng mô sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ gồm: phục vụ nhu cầu ghép tạng tại bệnh viện Việt Đức; xây dựng ngân hàng mô theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước và khu vực; xây dựng ngân hàng mô trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu về bảo quản mô, công nghệ mô ghép và tế bào gốc; trở thành trung tâm đào tạo thực hành về bảo quản mô, công nghệ mô ghép và tế bào gốc của cả nước phục vụ công tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các ngân hàng mô khác trong nước sẽ được thành lập trong tương lai.
Trước đó, nước ta chỉ có 2 phòng thí nghiệm nghiên cứu bảo quản mô tại Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, mà chưa có một ngân hàng mô nào được thành lập để thực hiện các hoạt động chuyên môn phục vụ điều trị cho người bệnh, trong khi các nhu cầu về ghép xương, mạch máu, van tim, gân… tại các cơ sở y tế trên cả nước rất lớn. Trên thế giới có 300.000 ngân hàng mô ở 46 quốc gia.
|
Lãnh đạo Bộ Công an trao tặng 5 tỷ đồng từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của ngành công an cho bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức nhằm trang bị các hộp đựng tạng. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Cùng ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tổ chức lễ tiếp nhận thiết bị y tế do Bộ Công an trao tặng với số tiền 5 tỷ đồng được trích từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của ngành công an để tặng bệnh viện nhằm trang bị các hộp đựng tạng.
Hiện tại, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về ghép tạng với hàng nghìn ca ghép thận, hầu hết các trường hợp ghép tim, gan tại Việt Nam đều được thực hiện tại đây. Bệnh viện cũng là trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về ghép tạng cho các trung tâm trong cả nước như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Saint-Paul, Bệnh viện Thanh Nhàn…
Chính vì vậy nhu cầu vận chuyển tạng ghép từ Bệnh viện Việt Đức đến các trung tâm ghép tạng khác trong cả nước và ngược lại là rất cần thiết, hơn nữa hiện nay các trung tâm đang sử dụng các phương tiện bảo quản vận chuyển tự tạo nên không đảm bảo tiêu chuẩn trong hoạt động.
Sau khi đến thăm 2 cán bộ cấp cao ngành công an đã được mổ ghép tạng thành công tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã rất ấn tượng với sự phát triển vượt trội về khoa học công nghệ của ngành y tế hiện nay và khi nghe lãnh đạo bệnh viện trình bày về nhu cầu trang bị các thiết bị lưu trữ và vận chuyển tạng chuyên dụng, đồng chí đã quyết định trích 5 tỷ đồng từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của ngành công an để tặng bệnh viện nhằm trang bị các hộp đựng tạng.
Với số tiền tình nghĩa này, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã trang bị 6 thùng đựng tạng chuyên dụng và các thiết bị chuyên biệt trang bị cho ngân hàng mô. Ngay khi trang bị các hộp đựng tạng đã phát huy tác dụng chuyển tim từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức để ghép tim cho người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế, góp phần quyết định cứu sống người bệnh và chuyển giao kỹ thuật ghép cho các đồng nghiệp. Cùng lúc này ngân hàng mô từ khi đi vào hoạt động đã bảo quản gần 1.000 mảnh xương sọ, hơn 300 trong số đó đã ghép lại cho người bệnh, hàng trăm mẫu tinh trùng, mô tinh hoàn đã được bảo quản. Việc bảo quản van tim, gân, mạch máu… cũng đang được hoàn thiện kỹ thuật thực hiện.
Hiền Minh