Chiều 13/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam tham dự Hội nghị.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 là một nội dung rất quan trọng, chính vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến dân chủ, rộng rãi, công khai trong các tổ chức thành viên; các Hội đồng tư vấn; các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, đại biểu dân tộc, tôn giáo; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam sẽ góp phần giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoàn thiện văn kiện để trình đại hội vào ngày 19/9/2019.

Tại Hội nghị, đã có 14 ý kiến cụ thể, xác thực, bám sát vào tình hình thực tế của đại biểu tham dự nhằm góp phần hoàn thiện báo cáo chính trị trình trước Đại hội.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TA)

Đề cập đến việc đánh giá các giai cấp, Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, dự thảo văn kiện mới đánh giá các giai cấp mạnh về số lượng, nhưng chất lượng thế nào thì chưa thấy nêu. Đồng chí cho rằng cần phải xác định lại mục tiêu đổi mới toàn diện theo các nghị quyết của Trung ương về văn hóa, kinh tế và giáo dục.

Trích dẫn Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII và Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục, đồng chí Nguyễn Thị Doan cho biết: “Các nghị quyết có ý rất rõ rằng: Phát triển kinh tế phải dựa vào kinh tế tri thức và kinh tế xanh. Tuy nhiên, từ đó tới nay việc triển khai kinh tế tri thức là rất yếu, chưa có biện pháp đủ mạnh… Chính vì vậy kinh tế tri thức là phải tăng cường học tập, học suốt đời, học hàng ngày để dung nạp tri thức, bồi đắp tri thức, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Không học tập thì luôn luôn tụt hậu”.

Góp ý dự thảo báo cáo chính trị, đồng chí Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng đại đoàn kết toàn toàn tộc là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam là động lực là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính vì vậy báo cáo chính trị cần khẳng định rõ trong 5 năm qua khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và lớn mạnh góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

Đồng chí Hữu Thỉnh cũng khẳng định, dự thảo cần khẳng định các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước triển khai trọng tâm trọng điểm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua lao động sáng tọa của nhân dân và chung sức của cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,  đẩy lùi các tệ nạn xã hội xây dựng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, phát huy những mỹ tục mới của dân tộc.

Tại hội nghị các ý kiến đại biểu cũng mong muốn trong nhiệm kỳ tới MTTQ Việt Nam tiếp tục kế thừa và phát triển 5 chương trình hành động đã và đang triển khai theo hướng xác định rõ hơn về mục tiêu, bổ sung những nội dung, giải pháp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Mỗi chương trình đều có các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản để thực hiện.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, chương trình 3 của MTTQ Việt Nam cần làm rõ hơn những nội dung giám sát, phản biện xã hội. Để phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả, cần có những chương trình giám sát độc lập của Mặt trận. Đặc biệt phải có cơ chế, nguồn lực để chủ động trong sử dụng chuyên gia, Hội đồng tư vấn trong triển khai các chương trình giám sát.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ tới Mặt trận cần đưa ra giải pháp ứng dụng  công nghệ thông tin để đánh giá sự hài lòng của người dân, những phản ứng tức thời của người dân đối với những vấn đề nổi cộm ở cơ sở.

Đồng tình với việc thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở của MTTQ các cấp trong thời gian qua, các đại biểu cho rằng, MTTQ đã có nhiều đổi mới và có nhiều hoạt động sâu sát trong thực hiện quy chế cơ chế dân chủ ở cơ sở, giám sát phản biện xã hội và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở một số nơi việc thực hiện giám sát chưa hiệu quả, những nơi có điểm nóng vẫn chưa được phát hiện, việc tiếp xúc cử tri ở một số địa phương vẫn tiếp xúc theo kiểu dân chủ đại diện, có những điểm nóngnhân dân tự phát bùng phát lên mà các cấp ở địa phương không kịp thời nắm bắt và bị động với tình trạng đó, vai trò giám sát phản biện của Mặt trận chưa thực sự được phát huy,… Do đó cần tăng cường việc triển khai giám sát, phản biện ở một số nơi, từ nguyên nhân này nên mới có tình trạng ở những địa phương chưa phát hiện kịp thời những nơi gian dối, giả tạo hồ sơ... để có tham mưu với cấp ủy, chính quyền xử lý kịp thời những vấn đề đó.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TA)

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là những ý kiến quan trọng, tâm huyết giúp cho Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, đại biểu tham dự đã đồng tình cao với chủ đề, tiêu đề của đại hội và vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung trong báo cáo chính trị đã khái quát được những vấn đề cụ thể, đảm bảo tính ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và xuất phát từ những vấn đề thực tế trong triển khai nhiệm vụ.

“Báo cáo chính trị đã thể hiện rõ vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân của Mặt trận thông qua việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân tới Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Khẳng định sức mạnh của Mặt trận các cấp là phối hợp hiệp thương với các tổ chức thành viên trong triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, thời gian tới, Mặt trận các cấp cần tập trung vào việc phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo hướng dân biết, dân làm, dân kiểm tra nhằm đảm bảo nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Bên cạnh đó việc nắm bắt tình hình nhân dân cần kịp thời hơn, đầy đủ hơn, chân thực hơn và có chính kiến trong những vấn đề nóng phát sinh trên địa bàn, từ đó đảm bảo việc thực hiện giám sát quyền lực và giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tại mỗi địa phương./.

Đến nay cả nước đã hoàn thành Đại hội cấp xã; cấp huyện có 302/712 huyện (đạt 42,41%) tổ chức đại hội, 11 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện đó là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, TP. Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Giang, Hậu Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh. Tiến độ tổ chức Đại hội đang được khẩn trương thực hiện; về cơ bản, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội các cấp được tiến hành bảo đảm hướng dẫn của Trung ương.

Ngày 10/5/2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng là đơn vị cấp tỉnh đầu tiên tổ chức Đại hội. Hiện có 14 tỉnh đã được Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam duyệt kế hoạch tổ chức Đại hội.


Trung Anh