Quang cảnh hội thảo. (Ảnh:LN)

Chiều 3/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học “Vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn – thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, tổ chức Mặt trận luôn có mối liên hệ mật thiết với quá trình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Mối liên hệ này thể hiện sự tương tác biện chứng giữa vai trò của Mặt trận với tư cách là một thiết chế chính trị - xã hội đặc thù của hệ thống chính trị với dân chủ và dân chủ cơ sở xét trên phương diện thể chế và giá trị xã hội.

Khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tác nhân quan trọng của dân chủ, tạo nên sự đồng thuận mạnh mẽ, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, Mặt trận cần thể hiện rõ vai trò tiên phong trong lý luận về dân chủ - đoàn kết và đồng thuận.

“Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi sự nỗ lực của từng thành viên trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp từ tính chủ động, sáng tạo của MTTQ Việt Nam” – GS. Hoàng Chí Bảo nói.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng lưu ý đến việc cần phải làm rõ mối quan hệ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với Mặt trận. Lãnh đạo Đảng phải quyết liệt thay đổi tư duy lãnh đạo, đề xuất quan điểm, nguyên tắc để thể chế hóa thành luật và chính sách của Nhà nước phù hợp với Hiến pháp về vấn đề xác định tổ chức Mặt trận là tổ chức chính trị - xã hội nhưng đội ngũ cán bộ Mặt trận không công chức hóa, chuyển hẳn sang hoạt động xã hội, theo phong cách dân vận. Đồng thời cần xóa bỏ triệt để tình trạng do phụ thuộc vào lương nhà nước, do nhà nước “nuôi” nên không thể phản biện, không thể kiểm soát quyền lực các cơ quan công quyền…

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo: “Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần đi sâu nghiên cứu lý luận về dân chủ - đoàn kết và đồng thuận, mối quan hệ, điều kiện thực hiện. MTTQ Việt Nam là linh hồn của đại đoàn kết, là tác nhân quan trọng của dân chủ, của đồng thuận mạnh mẽ cho nên phải tỏ rõ vai trò tiên phong trong lý luận về dân chủ - đoàn kết và đồng thuận”.

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Võ Hoàng Long cho rằng, thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường là phải công khai để dân biết những nội dung cần nhân dân bàn, quyết định và giám sát. Muốn thế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là việc thực hiện dân chủ ở xã, phường đến các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy vai trò giám sát, làm chủ của quần chúng nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Và bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng là củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận quận và cơ sở vững mạnh.

Đồng tình với nhận định này, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì (Hà Nội) Nguyễn Thị Thắm, đề nghị, để nâng cao hiệu lực, vai trò của Mặt trận trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là việc thực hiện dân chủ ở xã, phường đến các tầng lớp nhân dân, qua đó phát huy tối đa vai trò giám sát, làm chủ của quần chúng nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Một số đại biểu cho rằng, thời gian tới, tổ chức Mặt trận các cấp cần chủ động hơn trong quá trình đề xuất dự án, chương trình, kế hoạch, biện pháp nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các quyết sách lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cần tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ từ lãnh đạo chủ chốt đến cán bộ chuyên môn ở các cấp, nhất là cán bộ ở cơ sở để người thi hành công vụ hiểu rõ, thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở, tao sự đồng thuận trong xã hội…/.

 
Linh Nhi