Khẳng định vai trò của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc 

(ĐCSVN) - Với đường hướng hoạt động đúng đắn: Hiệp thông cùng Giáo hội, đồng hành cùng dân tộc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đang phát huy có hiệu quả vai trò của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xứng đáng vào quá trình phát triển của đất nước.

Đó là nội dung chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy trong cuộc trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028).

Đồng chí Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: An Luých.

Phóng viên (PV): Xin ông có thể chia sẻ về những đóng góp của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời gian vừa qua, nhân dịp sắp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII?

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy: Là tổ chức xã hội thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo cả nước, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã hiệp thông cùng Giáo hội; đồng hành cùng dân tộc và MTTQ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Từ đường hướng hoạt động này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tập hợp được đông đảo người Công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước sống tốt đời, đẹp đạo, thể hiện trên các  lĩnh vực: Phát triển kinh tế; từ thiện bác ái; bảo trợ xã hội; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh- trật tự...  Điển hình như trong 5 năm vừa qua (2017-2022), đồng bào Công giáo đã tham gia hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ các quỹ: “Vì biển đảo Việt Nam”, “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây nhà đại đoàn kết”, …

Nhiều cơ sở bác ái của Công giáo là mái ấm tình thương cưu mang những hoàn cảnh thiếu may mắn như: Cô nhi Viện Thánh An- giáo phận Bùi Chu; Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của Dòng Ảnh Phép Lạ (giáo phận KonTum); các trường mầm non của Dòng Phaolô, Dòng Mến Thánh Giá ở Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội… Nhiều mô hình bảo vệ môi trường tại các khu dân cư, họ đạo trở thành “thương hiệu” của Ủy ban Đoàn kết Công giáo như, phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” tại Nam Định; “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại TP. Hà Nội; Khu dân cư sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn tại TP. Đà Nẵng, Lâm Đồng,…

Nữ tu - y sĩ phục vụ bệnh nhân tại Phòng khám từ thiện Mẫu Tâm - giáo xứ Bình Cang (xã Vĩnh Trung, Tp.Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: AL 

Từ thực tế những năm vừa qua cho thấy, đạo đức, văn hóa Công giáo đã hòa quyện cùng truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam để nhân lên những việc làm thiện lành trong đời sống; đồng bào Công giáo đang ngày càng khẳng định mình là một bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vị thế, vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được phát huy qua đường hướng hoạt động đúng đắn: Hiệp thông cùng Giáo hội, đồng hành cùng dân tộc để góp phần xứng đáng vào sự phát triển của đất nước, xây dựng Giáo hội.

PV:  Hiện Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam có những thuận lợi và những khó khăn nào trong hoạt động, thưa ông?

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy: Thuận lợi quan trọng nhất, theo tôi, đó là chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta và công tác tôn giáo của MTTQ Việt Nam được thực hiện ngày càng tốt hơn,đã tăng cường niềm tin trong đồng bào các tôn giáo. Bên cạnh đó, Giáo hội Công giáo cũng ngày càng gắn bó, đồng hành mật thiết trong lòng dân tộc. Đây là những “hành lang” thông thoáng mà Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cần phát huy để đưa thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo lên tầm cao mới, góp phần nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực của đất nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng đang đối mặt với một số khó khăn, tồn tại, đó là: Tại một số địa phương, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng nhân sự chuyên trách; công tác nắm bắt thực tiễn cơ sở, phản ánh và kiến nghị nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào Công giáo, tổ chức Công giáo có khi còn chưa kịp thời, còn thụ động.

PV: Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, ông có thể gợi mở về định hướng cho Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ tới?

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy: Theo tôi, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước; tình cảm đoàn kết dân tộc; hiệp hành và đồng tiến cùng dân tộc của đồng bào Công giáo để nhân lên những điển hình tiên tiến xuất sắc, những việc làm tốt đời, đẹp đạo; qua đó, nâng cao vị thế của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sắp tới cần tập trung phân tích đúng thực tiễn ở cơ sở, bám sát chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước, các cuộc vận động của MTTQ và chỉ dẫn mục vụ của Giáo hội để đưa ra nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới phù hợp với phương châm hoạt động mà Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã chọn cho 5 năm tới là “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”.

Quang cảnh giáo xứ Quần Liêu (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Ảnh: An Luých

Cũng cần nhắc lại rằng, Đảng ta đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Giáo hội Công giáo Việt Nam đã xác định đường hướng hành đạo: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Mới đây, Giáo hoàng  Franciscus vừa có thư gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam. Trong thư, Giáo hoàng Franciscus nhấn mạnh: dấu ấn cuộc sống của các các Kitô hữu (người Công giáo - PV) là “ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế”.

Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần phát huy được trí tuệ tập thể, truyền thống đoàn kết dân tộc và những chỉ dẫn trên để đẩy mạnh thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo trong đồng bào Công giáo phát triển hòa nhịp với tiến trình hội nhập, phát triển của đất nước và bước tiến triển trong quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
An Luých - Thùy Linh
423 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 678
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 678
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87211444