Hội thảo do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức diễn ra trong thời gian một ngày (18/10) tại Hà Nội.
Theo TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viên Phụ nữ Việt Nam, đến nay, vẫn chưa thống nhất được cả về lý luận và pháp lý đối với khái niệm “doanh nghiệp nữ”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân nữ cũng như của các doanh nghiệp do nữ làm chủ trong thời gian vừa qua.
Phụ nữ đã tham gia lãnh đạo, làm chủ tại hơn 30% tổng số các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu của khu vực châu Á, đứng thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp nữ cao nhất. Sự tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo của phụ nữ vào điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp đã dẫn đến những kết quả ấn tượng của các doanh nghiệp nữ trong sự tương quan so sánh với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.
Hội thảo khoa học quốc tế “Doanh nghiệp nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0” - Ảnh: Minh Châu
Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ nhưng kết quả hoạt động về doanh thu, lợi nhuận, thu hút lao động, đóng góp ngân sách, suất đầu tư cho một việc làm đều có sự ngang bằng hoặc vượt trội. Qua đó khẳng định, phụ nữ hoàn toàn có đủ năng lực lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động sâu sắc, toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Sự phát triển đội ngũ doanh nhân nữ, doanh nghiệp nữ trong bối cảnh bình thường đã khó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 càng khó khi mà bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, họ vẫn đang gặp phải những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực khó thay đổi từ cả khách quan và chủ quan… Điều này đòi hỏi các lực lượng tiến bộ trong xã hội, trong đó các nhà khoa học, các nhà lập pháp, nhà nữ quyền cùng chung tay giúp sức, ủng hộ và đồng hành cùng phụ nữ thì mới có thể thành công, TS Tiến nói.
Theo bà Elizabeth Dewi (Đại học Parahyangan, Indonesia), phụ nữ hiện vẫn đang gặp phải những rào cản trong xã hội như: định kiến về giới, sự tham gia lãnh đạo doanh nghiệp của phụ nữ hay năng lực chuyên môn trong xã hội. Theo bà Elizabeth Dewi, phụ nữ muốn vươn lên khẳng định mình, điều đầu tiên không chỉ chú ý đến vấn đề bình đẳng giới mà cần phải chứng minh được năng lực làm việc, coi đó là điều tiên quyết để phụ nữ vượt qua các định kiến để khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phụ nữ nên thường xuyên tham gia các buổi tọa đàm, thảo luận cùng với nam giới để thay đổi cách nhìn của xã hội, đồng thời khẳng định năng lực, trí tuệ của mình một cách bình đẳng.
Đại biểu đến từ các quốc gia tham dự Hội thảo - Ảnh: Minh Châu
Theo Thạc sỹ Phạm Thị Hạnh (Học Viện phụ nữ Việt Nam), doanh nhân nữ Việt Nam cần hội tụ các nhân tố để khởi nghiệp thành công gồm: mở rộng các mối quan hệ, sự hỗ trợ từ gia đình, kiến thức và kinh nghiệm quản lý, động lực thúc đẩy sự khởi nghiệp, niềm tin và dám mạo hiểm, đổi mới sáng tạo và kiến thức về công nghệ thông tin. Đặc biệt, các doanh nhân nữ muốn khởi nghiệp thành công trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cần có nền tảng kiến thức công nghệ thông tin tốt.
Bà Hạnh đề xuất các doanh nhân nữ luôn cần đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực từ mô hình kinh doanh đến các sản phẩm đưa ra thị trường, lựa chọn hình thức kinh doanh và sản phẩm sao cho phù hợp với sở trường. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ cần phải có niềm tin vào bản thân và dám mạo hiểm, chấp nhận rủi ro có thể đem lại để có thể đương đầu với những khó khăn trong giai đoạn mới, đó là giai đoạn Cách mạng công nghệ 4.0.
Tại hội thảo, đại biểu đến từ các quốc gia cũng được chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy tinh thần nữ doanh nhân khởi nghiệp, sự sẵn sàng khởi sự của phụ nữ trong bối cảnh cách mạng 4.0 từ các chuyên gia kinh tế, doanh nhân thành đạt đến từ các nước như Nhật Bản, Indonesia, Hoa Kỳ./.
Minh Châu