Khẩn trương xây dựng cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải 

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực vào đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đáp ứng yêu cầu truyền tải điện, đặc biệt là lưới điện đấu nối giải tỏa công suất các nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia.

 

Theo đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đang hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo cơ chế xã hội hóa để đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải dưới dạng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Cụ thể, các hình thức hợp đồng áp dụng là: Xây dựng - Chuyển giao (BT), Xây dựng - Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO).

Phạm vi điều chỉnh là các dự án lưới điện truyền tải (đường dây và trạm biến áp cấp điện áp từ 110kV trở lên); các đề xuất sửa đổi quy định pháp luật để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Cùng với đó, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) xây dựng phương án xác định giá truyền tải điện trong các trường hợp thực hiện đầu tư theo các hình thức hợp đồng BOT và BOO.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, quan điểm của EVN là ủng hộ chủ trương huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế xã hội để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải nhưng phải đảm bảo đúng quy hoạch, tránh những đường dây trục chính và các nút quan trọng để không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Cần có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

 

Theo EVN, chủ trương này một mặt làm giảm áp lực vốn đầu tư phát triển của Tập đoàn và các đơn vị với nhu cầu đầu tư khá cao như hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới, đồng thời, đảm bảo việc thực hiện đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện, từ đó giảm bớt rủi ro về hiệu quả đầu tư trong trường hợp nguồn hoặc lưới điện không đáp ứng tiến độ.

EVN cho biết pháp luật về điện lực và các luật có liên quan quy định nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, tuy nhiên nội hàm hoạt động truyền tải chưa được pháp luật quy định cụ thể đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sở hữu và quản lý vận hành.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải....”.

Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về “hoạt động truyền tải” bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải hay chỉ bao gồm hoạt động quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải, vì vậy, cần phải làm rõ nội hàm của khái niệm “hoạt động truyền tải” theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực nêu trên.

Trong trường hợp xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải, trừ Khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực nêu trên, theo EVN cần phải thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác, cụ thể như Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10/8/2017 về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại có quy định truyền tải, điều độ là các ngành độc quyền nhà nước trên toàn lãnh thổ.

Về xác định giá truyền tải điện (cơ chế đảm bảo để chủ đầu tư thu hồi vốn và có lợi ích kinh tế hợp lý phù hợp với hiệu quả và chất lượng đầu tư các công trình đầu tư), theo quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, EVN hoặc Công ty mua bán điện, Tổng công ty Điện lực và khách hàng mua điện trực tiếp từ lưới truyền tải điện có trách nhiệm thanh toán chi phí truyền tải điện cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) theo hợp đồng ký kết.

Như vậy, việc thanh toán chi phí truyền tải được thực hiện theo Hợp đồng. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư sẽ phát sinh vướng mắc trong việc giải quyết mối quan hệ pháp lý giữa các nhà đầu tư và đơn vị sử dụng lưới truyền tải.

Đối với việc xác định giá truyền tải, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia ( EVNNPT) có trách nhiệm xây dựng giá truyền tải điện hàng năm trình EVN và gửi báo cáo Cục Điều tiết điện lực thẩm tra, trình Bộ Công Thương xem xét phê duyệt theo quy định.

Trong trường hợp xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải sẽ dẫn đến thay đổi các thông số đầu vào tính toán và cần phải có cơ chế để xác định độ tin cậy của các thông số đầu vào, cơ chế để xác định, phân chia giá truyền tải cho các chủ đầu tư, EVN nêu kiến nghị.

                                                                                                                                       Toàn Thắng

293 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 969
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 969
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87212564