Khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông 

(ĐCSVN) - Ngày 10/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành Công văn số 453/TWPCTT-VP về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.

 

Dự báo vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hiện nay (10/9) trên vùng biển phía Đông Nam Đài Loan có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc, 122,4 độ Kinh Đông, cách Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm; đến 7 giờ ngày 11/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc, 119,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đông Bắc biển Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông từ sáng sớm ngày 11/9 có mưa dông; vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào biển Đông và mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền, tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời tình huống xấu có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng thường trực Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

Đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành quan tâm tổ chức thực hiện./.

Đặng Hiếu

493 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 913
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 914
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88329629