Khẩn trương nghiên cứu giải pháp ứng phó khi theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu 

(ĐCSVN) – Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.

 

 Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Đó là chia sẻ của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế tại Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay (18/4).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu; Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Úc… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD (do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng vào tháng 8/2022).

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P)

Vào tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Ngày 31/3/2023, Bộ Tài chính đã báo cáo trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới, quan trọng và có nhiều yếu tố kỹ thuật, nên, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Tại Hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh nhận định, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế. Qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao (như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...).

Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Chính vì vậy, nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án. 

"Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước. Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó. Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Quy định IIR và UTPR) đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế thu nhập doanh nghiệp từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước”, ông Đặng Ngọc Minh phân tích.

Đáng chú ý, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cũng cho biết, không chỉ là nước nhận đầu tư, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí  Việt Nam (PVN), Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các ngân hàng thương mại. Như vậy, thuế tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra cơ hội khi Việt Nam áp dụng quy định chung về thuế tối thiểu. Việt Nam cũng có quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu đầu tư ra nước ngoài, và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác. 

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó ban hành chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để các doanh nghiệp này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. 

Taị Hội thảo, ông Robert King - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nêu ý kiến, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được hai mục tiêu quan trọng: Quyền lợi của nhà đầu tư, biện pháp hỗ trợ phải đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư; các biện pháp hỗ trợ phải đảm bảo không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tuân thủ các quy tắc của Trụ cột 2. 

Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cũng cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ ngày 1/1/2024 và Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật và thể hiện quan điểm ủng hộ thỏa thuận và cam kết thuế suất tối thiểu toàn cầu. Theo đó, các chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột II được xây dựng trong ngắn hạn cũng như dài hạn. 

Đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trụ cột II, bà Nguyễn Thy Nga cho rằng, Việt Nam nên chủ động lấy ý kiến và mời góp ý xây dựng hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong bối cảnh triển khai thuế suất, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này khi đầu tư tại Việt Nam để khuyến khích đầu tư, mở rộng đầu tư, đồng thời cũng dung hòa với quyền lợi của Việt Nam...

 
Minh Phương
403 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 877
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 877
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88319117