Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9, chuẩn bị chống lũ 

(Chinhphu.vn) - Ngay khi bão số 9 vừa tan, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 29/10, bão số 9 đã khiến 2 người chết (Gia Lai 1, Quảng Nam 1); 55 người mất tích do sạt lở đất (Quảng Nam: 53 người ở huyện Nam Trà My, 2 người ở huyện Phước Sơn); 28 người bị thường (Huế 4, Đà Nẵng 1, Quảng Nam 5, Quảng Ngãi 13, Bình Định 5).

Tổng cộng 2.527 nhà bị sập; 88.591 nhà bị tốc mái; có 1 cầu treo tại tỉnh  Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi; Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Các địa phương cho biết có 9 tàu cá bị chìm (Bình Định 6, Phú Yên 2, Quảng Nam 1), trong đó có 2 tàu của tỉnh Bình Định với 26 lao động bị mất liên lạc từ ngày 27/10.

 
Nhiều ngôi nhà của người dân bị đổ ngã, hư hỏng lớn

Khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích tại Quảng Nam

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, vào tối 28/10, bão số 9 gây hư hại hàng loạt công trình, nhà dân với thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Tất cả địa phương ven biển có nhà bị hư hại rất lớn. Tuy nhiên, do hiện nay hệ thống thông tin liên lạc, điện chưa được khắc phục nên chưa thể thống kê cụ thể số lượng.

Đặc biệt, trong ngày 28/10 đã xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng huyện Nam Trà My, làm 45 người ở xã Trà Leng và 8 người ở xã Trà Vân mất tích.

Sáng 29/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến Sở chỉ huy tiền phương, để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích tại Quảng Nam.

Quảng Ngãi tập trung khắc phục hậu quả của bão số 9 và khẩn trương phòng chống lũ

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13h30 phút ngày 28/10, bão số 9 đã gây thiệt hại đáng kể cho các địa phương. Cụ thể, hơn 53.300 nhà dân đã bị tốc mái, hư hỏng, 9 nhà bị sập đổ. Bão làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, 2 chợ bị hư hỏng. Lượng lớn cá nuôi trong 48 lồng bè ở Lý Sơn bị chết. 8 ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm. 4 cơ sở y tế và Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm bị tốc mái…

Bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Quảng Ngãi. Nhiều nơi, lượng mưa đo được trong 24 giờ qua lên đến 600 mm. Hiện tượng này đã khiến cho nước từ thượng nguồn đổ về các sông một lượng lớn chỉ trong một thời gian ngắn.

Đến chiều 28/10, lũ ở tất cả các sông trong tỉnh đã vượt mức báo động 3 vào dự báo tiếp tục đạt đỉnh trong những giờ tới. Lũ lớn đang bao vây hàng nghìn hộ dân sống ven sông. Để đảm bảo tính mạng cho người dân, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân ở vùng trũng đến nơi an toàn.

Ngay khi có thông tin nước lũ lên nhanh, hơn 70 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh 307 đã túc trực liên tục để đưa thuyền, ca nô và áo phao vào sâu các khu dân cư đưa người dân ra ngoài.

Dự báo nước lũ ở các sông sẽ tiếp tục lên nhanh trong vài giờ tới. Theo thống kê, trong đêm 28/10, có hơn 12.000 người sống ở ven sông Trà Câu và sông Vệ thuộc các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ được di dời đến nơi an toàn trước khi lũ đạt đỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu các địa phương thực hiện 2 nhiệm vụ trọng yếu đó là tập trung khắc phục hậu quả của bão số 9 và khẩn trương phòng chống lũ.

Hiện mực nước ở các sông đang lên nhanh. Một số địa phương ở Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ nước đã tràn qua đường và vào nhà dân. Chính vì vậy, các địa phương nhanh chóng thực hiện công tác di dời dân đến nơi an toàn. Mọi công tác khắc phục bão và chống lũ phải thực hiện song song và hết sức khẩn trương nganh chóng.

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương thực hiện 2 nhiệm vụ trọng yếu đó là tập trung khắc phục hậu quả của bão số 9 và khẩn trương phòng chống lũ

 

Phú Yên tập trung khắc phục hậu quả bão số 9

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị trong việc di dời sơ tán tại chỗ đối với các khu vực ven biển, sông bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lụt khoảng 11.308/44.218 hộ, nên Phú Yên không thiệt hại về người.

Riêng về nhà ở, có 45 nhà bị sập, hư hỏng; 27,2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, xói lở; 2 chiếc thuyền nhỏ bị chìm. Bị ảnh hưởng lớn nhất do bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên là hệ thống mạng lưới điện, làm ảnh hưởng đến 85.000 khách hàng. Ngay sau khi bão tan, Công ty Điện lực Phú Yên huy động cán bộ, công nhân viên tập trung khắc phục.

Trước, trong và sau bão, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên có các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa phương. Tỉnh tiếp tục có công văn chỉ đạo các địa phương việc chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục bão số 9 và mưa lũ sau bão, yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể khẩn trương, chủ động phối hợp địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tại các vùng bị thiệt hại nặng; thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại và công tác triển khai khắc phục hậu quả bão số 9 và mưa lũ.

Các lực lượng vũ trang trong tỉnh ra quân hỗ trợ giúp đỡ người dân địa phương dọn dẹp vệ sinh môi trường, đắp đường, sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng, góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân. Các nhà ở hư hỏng nhẹ hầu hết các hộ tự sửa chữa và cơ bản đã tạm thời ổn định.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và người dân tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra và sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi có mưa lũ sau bão. Đồng thời, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực, vận hành điều tiết xả lũ hợp lý và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

 

Công ty Điện lực Phú Yên tập trung khắc phục sự cố, kịp cung cấp điện, ổn định đời sống nhân dân.

Bình Định cấp điện lại cho 300.000 khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 9

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến chiều 28/10, bão số 9 đã làm 5 người ở TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ bị thương.

Bão đã làm 24 ngôi nhà dân bị sập đổ, 2.820 ngôi nhà bị tốc mái, 741 nhà ngập nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.867 ha cây hoa màu bị hư hỏng, 2 tàu cá bị chìm, cầu cảng Đề Gi, huyện Phù Cát bị tàu sắt trôi neo va đập làm cong trụ cầu. Tổng thiệt hại ước tính gần 211 tỷ đồng.

Hiện nay, các cấp, các ngành đang tiến hành rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra, đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.|
 

Đến 23h30 ngày 28/10, Công ty Điện lực Bình Định đã cung cấp điện lại cho hơn 300.000 khách hàng trong số gần 400.000 khách hàng bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 9. Trong đó, toàn bộ thành phố Quy Nhơn đều đã được cung cấp điện trở lại.

 

Trước đó, sáng 28/10, bão số 9 gây mưa to và gió lớn, làm ảnh hưởng tới lưới điện tại Bình Định làm cho nhiều khu vực bị mất điện. Toàn tỉnh đã xảy ra 122 vụ sự cố lưới điện, làm mất điện 3.756 trạm biến áp, với gần 400.000 khách hàng bị mất điện (tỉ lệ 95% tổng số khách hàng trên toàn tỉnh). 

 

Mưa lớn gây ngập lụt ở  xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum

Kon Tum thực hiện nghiêm phương án 4 tại chỗ

Chiều 28/10, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn  đã đi kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn huyện Kon Rẫy.

Thống kê ban đầu cho thấy, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa ghi nhận thiệt hại về người nhưng nhà cửa, các công trình của Nhà nước, đặc biệt là đường giao thông bị hư hại nặng nề. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây chia cắt giữa các khu vực dân cư.

Mưa lớn gây ngập lụt gây chia cắt 2 thôn với 259 hộ và 1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, một cầu treo huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ với  680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng; sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Huyện Kon Plông đã di dời 47 hộ dân tại các điểm dân cư bị sạt lở đến nơi an toàn. Huyện Đăk Glei di dời một điểm tái định cư thôn Kon Năng với 37 hộ (105 nhân khẩu). Huyện Tu Mơ Rông di dời 15 hộ dân dưới hạ lưu đập Thủy điện Đăk Trang. Huyện Kon Rẫy di dời với 120 hộ (673 nhân khẩu) ở xã Đăk Ruồng và hai hộ dân tại thôn 1, xã Tân Lập nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.

Đặc biệt, tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tình trạng ngập lụt đang diễn ra nghiêm trọng tại 11 thôn, làng. Khoảng 50% trong tổng số 2.400 hộ của xã đã bị cô lập, không thể di chuyển. Chính quyền địa phương đã di dời, sơ tán được khoảng 100 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai mọi biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; huy động lực lượng, thực hiện nghiêm phương án 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ"; khẩn trương di dời nhân dân tại các vùng có nguy cơ bị ngập, sạt lở đến nơi an toàn và có biện pháp đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men để ổn định cuộc sống của người dân tại các địa bàn bị chia cắt; cử lực lượng ứng trực tại các ngầm, tràn, cầu tạm, cầu treo, các tuyến đường sông, đường bộ dễ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết... để cảnh báo, không cho người dân qua lại.

Quảng Trị lên phương án di dời hàng chục nghìn người dân

Tại Quảng Trị, đến tối 28/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, tỉnh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đặc biệt là đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 60-130mm, có nơi cao hơn. Mưa lớn đã khiến nước sông dâng cao, làm ngập một số cầu tràn thuộc hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa gây chia cắt giao thông.

 

Mực nước trên các sông ở Quảng Trị tiếp tục lên do mưa lớn. Để ứng phó với mưa lũ, tỉnh Quảng Trị đã lên phương án di dời trên 8.500 hộ với gần 26.000 người ở 82/124 xã, phường, thị trấn để tránh ngập lụt. Trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, tỉnh di dời trên 15.300 hộ với trên 49.000 người ở 98/124 xã, phường, thị trấn. Tỉnh dự kiến sơ tán 514 hộ với trên 2.200 người ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

BT

170 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 864
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 864
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87193574